Monday, September 28, 2020

BIIÊN NHÂN 2019

 



HOÀNG VŨ VÀ TRUNG ĐOÀN 54 BẠCH HỔ

 

Trung Úy Hoàng Vũ và Trung Đoàn 54 Bạch Hổ trên mặt trận Tây Huế

Sep 26, 2020 cập nhật lần cuối Sep 27, 2020

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Từ năm 1968 trở đi, tình hình chiến sự tại miền Nam Việt Nam bắt đầu ác liệt với sự xâm nhập của các đơn vị chính quy Cộng Sản tiến vào miền Nam ngày càng nhiều trên các mặt trận. Điều đó càng thôi thúc chàng trai trẻ Hoàng Vũ quyết tâm gia nhập quân đội.

Ông Hoàng Vũ kể lại trận đánh đồi Bastongne, nơi ông bị bắt làm tù binh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Hoàng kể, khi những chiến trường ở miền Nam ngày càng khốc liệt vì cuộc chiến Việt Nam đang hồi gia tăng thì Cộng Sản lộ rõ bộ mặt thật khi tấn công miền Nam trong trận Tết Mậu Thân 1968.


Bị tung hỏa mù

Năm 1969, ông Hoàng vào Khóa 27 Thủ Đức, sau khi ra trường về trình diện đơn vị Quân Báo Phòng 2 Tổng Tham Mưu. Sau khi được điều tra an ninh lại, ông được đi học khóa huấn luyện tại căn cứ 49 để học về chuyên môn.

Sau đó ông được cử qua trường USARPAC (United States Army Pacific) ở Okinawa, Nhật, học về sưu tập tình báo chiến trường, rồi học chuyên môn chung với nhiều quân binh chủng Việt Nam Cộng Hòa gồm Không Quân, Hải Quân, Lục Quân, An Ninh Quân Đội, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, và cả những nước thuộc khối đồng minh.


Về nước, ông trình diện đơn vị 101 ở Sài Gòn và Đoàn 68 đặt tại Đà Lạt. Ông Hoàng thuộc Toán 25, là trưởng lưới tình báo với nhiệm vụ đọc lại các tài liệu thuộc các tỉnh Vùng II Chiến Thuật. Khi về các tỉnh ông thường đi một mình hoặc có khi cùng với một người mang máy liên lạc để tổ chức mật báo viên ngụy trang, hoạt động xâm nhập những cơ sở Việt Cộng để sưu tập tin tức, chương trình này do Mỹ chỉ huy.

Ông cho hay: “Năm 1969, các tỉnh thuộc Vùng II Chiến Thuật còn yên, tình hình chiến sự tương đối lắng dịu dọc duyên hải gồm các tỉnh Bình Tuy, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn , Quảng Ngãi, Quảng Nam. Còn các vùng rừng núi gồm các tỉnh Long Khánh,  Bảo Lộc, Tuyên Đức (Đà Lạt), Ban Mê Thuột, Bình Long, Phước Long, Kon Tum, Pleiku, và dọc theo biên giới Miên, Lào cũng vậy. Cho đến mùa Hè 1972, đã có những cuộc di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam ở Kon Tum theo sự báo cáo của các toán khác mà tôi được biết.”

“Năm 1970 khi về họp toán với các cố vấn Mỹ, họ kêu gọi chúng tôi phải viết về những kế hoạch kinh tế thời hậu chiến, trong khi nhiệm vụ chúng tôi là phải đi thu thập tin tức tình báo chiến trường! Lúc đó tôi lấy làm lạ, sau này mới hiểu là người Mỹ đã tung hỏa mù khiến phe mình cứ nghĩ là cuộc chiến sắp kết thúc, hòa bình lập lại và xây dựng kinh tế hậu chiến là mục tiêu hàng đầu,” ông nhớ lại.

Chuẩn Úy Hoàng Vũ lúc mới ra trường Khóa 27 Thủ Đức. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Ông kể: “Nếu xây dựng kinh tế hậu chiến thì thì không đúng chuyên môn của người lính, nên chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ trên mặt trận như từ trước, còn việc hoạch định kinh tế phải để cho các chuyên viên kinh tế thực hiện, chúng tôi vẫn tiếp tục chiến đấu khi diễn tiến cuộc chiến đấu bảo vệ tự do của miền Nam ngày càng xấu đi, các khoản viện trợ Mỹ bắt đầu bị cắt giảm lần từ 1973, trong khi Cộng Sản Bắc Việt được sự viện trợ quân sự tối đa từ Liên Xô và Trung Cộng để tấn công vô miền Nam!”

“Sau khi Hiệp Định Paris 1973 ký kết, trong đó có các điều khoản như hai bên ở yên vị trí để chờ giải pháp tổng tuyển cử tự do, người dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài, các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả tù binh cho nhau và thường dân bị bắt…,” ông nói.

Ông cho biết: “Ngay cả các khoản chi trong việc thu thập tin tức tình báo chiến trường cũng bị cắt giảm, trước đó khi hoạt động ở nơi nào, phải biết ngụy tích của mình là gì, phải hoạt động hợp pháp với nhiều vỏ bọc ngụy trang. Ngay cả ở quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức, bắt đầu có nhiều trận đánh đánh lớn năm 1972, lúc đó tôi hoạt động với danh nghĩa là một thầy giáo khi trước đó tôi là một phóng viên dân sự.”

“Trong khi bên mình tuân thủ thì Cộng Sản Bắc Việt lại chuyển quân rầm rộ xâm nhập miền Nam ngày càng tăng với hàng sư đoàn, có cả xe tăng, hỏa tiễn 122 ly và đại bác 130 ly mà bên ta nếu có báo lên thì Mỹ cũng làm lơ trong khi miền Nam ngày càng thiếu thốn trầm trọng về vũ khí đạn dược, do đó khi Hiệp Định Paris được ký kết là tôi nghĩ ngay mình sắp tiêu,” ông nói tiếp.

Ông Hoàng Vũ (thứ ba, từ trái) cùng các bạn đồng khóa tại Okinawa năm 1969. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

Tử chiến ở mặt trận Tây Huế

Lúc đó các đại đơn vị Cộng Sản từ Đông Hà, Quảng Trị, kéo vào và ở phía Tây thành phố Huế có các Sư Đoàn 324B, Công Trường 5 Đặc Công, Công Trường 4, Công Trường 6 cùng một trung đoàn pháo hạng nặng, đặt dưới sự chỉ huy của Quân Khu Trị Thiên Cộng Sản giao tranh với Sư Đoàn 1 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Trung Đoàn 54 Bộ Binh (biệt danh là Trung Đoàn Bạch Hổ) do Trung Tá Nguyễn Thanh Hạnh, trung đoàn trưởng chỉ huy, thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh.

Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, ông Hoàng được trực thăng bốc thẳng vào căn cứ Bastogne (Phú Xuân) Huế, là một cao điểm chiến lược ở mặt Tây Huế đã bị Cộng Sản chiếm giữ từ Tháng Hai, 1972. Lúc mới về Sư Đoàn 1, ông Hoàng là đại đội phó, thuộc Tiểu Đoàn 1/54, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hùng, án ngữ cao điểm 342.



Ông Hoàng Vũ lúc học ở trường USARPAC ở Okinawa, 1969. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)

“Khi tôi về đó thì Bastogne là một cứ địa trọng yếu thật khó nuốt, khi các đơn vị của ta chiếm lại được rồi cũng phải rút ra vì bị pháo liên tục không thể giữ được lâu, đến nỗi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố đơn vị nào chiếm lại được, mỗi cá nhân của đơn vị đều được thăng một cấp bậc. Một tháng sau, Tiểu Đoàn 1 rút ra chuyển qua cứ điểm Checkmate (cao điểm 342),” ông nhớ lại.

Cứ đánh giằng co như vậy với Cộng Quân, Trung Đoàn 54 đảm trách từ phía Bắc căn cứ Bastogne cách Huế khoảng 12 km đường chim bay cho đến phía Nam cao điểm Checkmate 342, khi Tiểu Đoàn 1/54 án ngữ cao điểm 342 quanh căn cứ Checkmate, còn Tiểu Đoàn 2/54 phòng ngự căn cứ vòng đai quanh Bastogne, Tiểu Đoàn 3/54 và Tiểu Đoàn 4/54 phòng thủ chiều sâu, hành quân di động.

Lúc đó hai Tiểu Đoàn 1/54 và 3/54 cứ luân phiên thay thế nhau trong trận Bastongne, khoảng Tháng Bảy, 1972. Tiểu Đoàn 1/54 được lệnh trở lại tiến chiếm Bastogne một lần nữa khi Đại Đội Trưởng là Đại Úy Trí bị bệnh bất ngờ, ông Hoàng được lệnh thay thế chỉ huy Đại Đội 1.

“Tôi mới về chiến trường này nên chưa biết nhiều, chỉ biết khi pháo mình bắn vô, tiểu đoàn xung phong lên, Đại Đội 1 tiến vô luôn để tổ chức lại hệ thống phòng thủ hầm chỉ huy của Mỹ bỏ lại đã bị pháo đánh sập. Khi Đại Đội 1 vô nằm đó và các đại đội khác chốt chung quanh, có Thiếu Úy Hiệp, sĩ quan đề lô, đi cùng để chấm tọa độ phản pháo. Khi tôi vừa bước ra tuyến phòng thủ phía trước để coi sóc lại “con cái,” bỗng một trái pháo 130 ly rớt ngay hầm chỉ huy làm mấy sĩ quan cùng lính truyền tin tử thương tại chỗ, nhưng Thiếu Úy Hiệp thoát chết!” ông kể.


Học sinh Hoàng Vũ (hàng đứng trước, thứ ba, từ phải) tại trường trung học Phan Bội Châu Phan Thiết, 1963. (Hình: Hoàng Vũ cung cấp)


Ông Hoàng cho biết ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc này phải nói là nhờ ơn trên phù hộ, chứ người lính nơi chiến trường chỉ biết chiến đấu chứ có nghĩ gì đến thân mạng mình! Ông thương nhất là những cấp úy trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm trận mạc nên rất dễ dính đạn!

“Đi trên các đồi ‘yên ngựa,’ là những đường mòn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, khi bọn địch pháo cấp tập để chiếm lại đồi Bastogne, lính của tôi bị thương, trong khi mấy tên cán binh Cộng Sản chỉ lo lục lọi ba lô của lính mình để tìm lương thực, cho thấy chúng đã bị đói lâu ngày,” ông kể tiếp.

Sau đó căn cứ Bastogne đã được một toán cảm tử quân do một vị thiếu úy chỉ huy chiếm lại hoàn toàn, được trực thăng vận nhảy xuống tấn công vào ngay bộ chỉ huy Cộng Quân. Trung Đoàn 54 sau đó rút về di chuyển xuống Động Truồi, bộ chỉ huy Trung Đoàn đóng tại căn cứ La Sơn, chia ra những tiểu đoàn hành quân khắp vùng. (Văn Lan) [qd]

Kỳ cuối: Trận Động Truồi ở Huế và đời tù, vượt biển của Trung Úy Hoàng Vũ

 


SAIGON 100 NĂM TRƯỚC

Subject:  Những hình ảnh đẹp của Sài Gòn vào 100 năm trước



----

                  Những hình ảnh đẹp của Sài Gòn vào 100 năm trước 
               Việt Nam Sử Liệu - Sài Gòn Năm 1938 Tư Liệu Rất Hiếm

Những hình ảnh dưới đây của nhiếp ảnh gia Pháp Ludovic Crespin thực hiện vào đầu thập niên 1920 ở Sài Gòn sẽ khiến người xem ngỡ ngàng…

Hình chụp dinh Norodom vào năm 1920. Dinh này được xây dựng xong năm 1871, đặt tên theo tên của quốc vương Campuchia lúc đó. Từ năm 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ. Từ 1887 đến 1945, các quan toàn quyền Đông Dương sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên được gọi là Dinh Toàn Quyền. Tuy nhiên dinh chỉ thực sự được toàn quyền Đông Dương sử dụng cho đến năm 1906, trước khi chuyển ra Hà Nội để dùng Phủ Toàn Quyền.

Năm 1955, dinh Norodom đổi tên thành Dinh Độc Lập. Năm 1962, dinh được xây dựng lại và có hình dáng như ngày nay.

Bên trên tấm hình này là 2 toàn quyền của Đông Dương: Bên trái là Albert Sarraut (nhiệm kỳ 1911-1913). Ông này cũng từng làm thủ tướng Pháp năm 1933. Bên phải là Maurice Long (nhiệm kỳ 1920-1922).

Nhà hát Thành Phố Sài Gòn được chụp vào thập niên 1920. Nhà hát này được xây năm 1898 và khánh thành năm 1900. Từ 1955 đến 1975, nơi này từng là trụ sở của Quốc Hội và Hạ Nghị Viện.

Mặt trước của Nhà Hát là con đường Catinat. Phía bên phải là Hotel Continental, khách sạn đầu tiên của xứ Nam kỳ. Năm 1955, đường này đổi tên thành đường Tự Do, và năm 1976 trở thành đường Đồng Khởi.

Quảng trường trước nhà hát là đại lộ Bonnard. Từ năm 1955 đến nay, đại lộ này đổi tên thành Lê Lợi, quảng trường này được đặt tên là Công Trường Lam Sơn, cái tên gắn liền với nhân vật lịch sử Lê Lợi.

Quảng trường trước nhà hát nhìn từ phía Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chánh)

Mặt sau của Nhà Thờ Đức Bà được chụp vào khoảng thập niên 1920. Công trình tôn giáo nổi tiếng này vẫn giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay, sau 140 năm.

Mặt trước của Nhà Thờ Đức Bà

Góc ngã tư Channer – Bonnard, trước Dinh Xã Tây (Tức Tòa Đô Chánh sau này). Đây là giao lộ sầm uất nhất của Sài Gòn kể từ khi người Pháp xây dựng các tuyến đường trung tâm Saigon cho đến ngày nay. Kể từ 1955, giao lộ này là Nguyễn Huệ – Lê Lợi.

Trên vườn hoa trước nhà thờ, đối diện Bưu Điện là tượng đồng của Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc) dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) được đúc ở bên Pháp. Bên dưới tượng đài là bệ hình trụ bằng đá hoa cương màu đỏ. Năm 1945, tượng này tháo dỡ đưa về Pháp. Đến năm 1958, vị trí này được thay bằng bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý như hiện nay.

Dinh Xã Tây được xây dựng xong năm 1909. Có thể thấy trước tòa nhà ghi chữ Hotel de Ville, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính. Thời VNCH thì dinh này được gọi là Tòa Đô Chánh, hiện nay là trụ sở UBND thành phố. Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.

Hình này là đầu đường Catinat (sau này là đường Tự Do, hiện nay là đường Đồng Khởi) những năm đầu 1920. Bên trái hình là Hotel Annam (Nam Việt khách lầu) của ông Huỳnh Huệ Ký ở số 1 Catinat. Sát vị trí này là 2 tiệm đổi tiền của người Ấn. Đến năm 1925, khách sạn này bị đập bỏ và xây thành khách sạn 5 sao Majestic. Khách sạn Majestic nhiều lần nâng cấp và còn tồn tại đến ngày nay.

Bên phải hình là quán cafe La Rotonde ở địa chỉ số 2 Catinat. Ngày nay vị trí này là Runam Bistro. Bên phải tấm hình là đường Quai de Belgique, nay là Tôn Đức Thắng, dọc bến Bạch Đằng.

Một góc ảnh rộng hơn của phía đầu đường Catinat, nhìn thấy được con đường Quai de Belgique với đường ray tàu hỏa chạy hơi nước tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn.

Dọc sông Sài Gòn, phía xa là Cầu Quay Khánh Hội, người Pháp gọi là Le pont tournant, nghĩa là cầu quay. Tên gọi này dựa theo thiết kế độc đáo – khi cầu có thể quay khúc giữa vào giờ nhất định trong ngày để mở đường cho tàu thuyền qua lại dễ dàng. Con đường bên trái hình sau này được đặt tên là Bến Chương Dương, hiện nay mang tên Võ Văn Kiệt.

Chợ Bến Thành năm 1920. Ngôi chợ này được xây khoảng năm 1911 và giữ nguyên kiến trúc cơ bản cho đến ngày nay.

Toàn cảnh Chợ Bến Thành

Bến Bạch Đằng năm 1920, phía xa là Thương Cảng Sài Gòn (thành lập năm 1860). Vị trí này đến nay nằm ở đoạn đầu đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ.

Tòa nhà này nằm ở một vị trí đầy biến động. Ở vị trí này ngày nay là tòa nhà Sunwah ở số 115 Nguyễn Huệ.

Thời Pháp, tòa nhà này được gọi là “Tòa Tạp Tụng” trên đường Charner, người Pháp gọi là La Justice de Paix, đến năm 1955 đổi tên là “Tòa Hòa Giải” đường Nguyễn Huệ. Trước đó, vị trí này là 1 nhà thờ bằng gỗ, tiền thân của Nhà Thờ Đức Bà hiện nay.

Năm 1863, tại vị trí này, linh mục Lefebvre đã động thổ xây dựng nhà thờ bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Sài Gòn.

Đến năm 1876, do Nhà thờ Sài Gòn làm bằng gỗ tạp nên sớm hư hại, Thống đốc Nam kỳ là Guy Victor August Duperré quyết định tổ chức thi thiết kế mẫu Nhà thờ Sài Gòn mới đặt ở 1 vị trí khác. Cuối cùng kiến trúc sư J.Bourad đã được chọn, và đó cũng là hình dáng của Nhà thờ Đức Bà ngày nay.

Còn vị trị Nhà thờ cũ xây một tòa án vào năm 1880, có hình dáng như hình bên trên cho đến năm 1995 thì bị phá bỏ để xây dựng tòa nhà Sunwah như ngày nay, là nhà cao nhất Việt Nam thời điểm đó.

Sông Sài Gòn năm 1920. Bên tay phải là Thương Cảng Sài Gòn

Cầu Mống được xây dựng vào năm 1894 và được giữ nguyên hình dạng cho đến ngày nay.

Cầu do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống.

Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu Mống được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật.

Chợ cá ở Chợ Lớn thập niên 1920. Vị trí này ngày nay là Bưu Điện Chợ Lớn

Cầu 3 cẳng ở Chợ Lớn. bắc qua một cái Vàm (Ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, do quan Khâm Sai người Pháp ra lệnh xây dựng. Cầu có tên tiếng Pháp là “Pont des 3 arches” (cầu có 3 nhịp vòng).

Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về cầu như sau: “Ở vùng quận 6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt, hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức cầu Ba Cẳng.”

Cầu đã bị sập hồi năm 1990. Ngày nay, vị trí cầu này ở chỗ nối 3 đường Phan Văn Khỏe, Bến Bãi Sậy và Trịnh Hoài Đức.

Xưởng đóng tàu Ba Son đang hạ thủy chiếc tàu chở hàng mang tên Albert Sauraut dài 85m năm 1921. Đó là tên của 1 Toàn quyền Đông Dương nhiệm kỳ 1911-1913.

Tòa nhà này gắn liền với lịch sử Sài Gòn và đã tồn tại được tròn 130 năm với hình dáng được giữ nguyên như lúc mới khánh thành. Trong 130 năm qua, tòa nhà này trải qua nhiều biến động và đã có hàng trăm chủ nhân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Tòa nhà được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux với mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại để trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Éloi Danel dùng làm tư dinh. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm dinh Phó Toàn quyền Đông Dương hay còn gọi là dinh Phó soái (trước năm 1911). Sau ông Danel, các vị Phó Toàn quyền người Pháp thay nhau tiếp tục làm chủ Dinh. Từ năm 1892 đến năm 1911, đã có thêm tất cả 14 vị Phó Toàn Quyền khác (trong số 14 vị này có một số vị đảm nhiệm chức vụ này 2 hay 3 lần) cư ngụ trong Dinh.

Từ năm 1912, chính phủ Pháp bỏ chức vụ Phó Toàn Quyền Ðông Dương và thay bằng chức vụ Thống Ðốc Nam Kỳ. Từ 1912 cho đến ngày 9-3-1945 đã có thêm tất cả 16 vị Thống Ðốc Nam Kỳ sống và làm việc trong Dinh Gia Long. Năm 1945, dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật nắm quyền tại Đông Dương, vị thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự.

Ngày 14 tháng 8, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm.

Đến ngày 25 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền, dinh lại trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam Bộ.

Ngày 10 tháng 9, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam Bộ phải dời về dinh Đốc lý.

Đến ngày 5 tháng 10, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Sau khi Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy, thì dinh lại trở thành nơi làm việc của tướng Leclerc, nhưng lần này với danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Sau Hiệp định Genève, tổng thống Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954. Dinh được Quốc trưởng Bảo Đại đặt cho tên mới là dinh Gia Long. Con đường La Grandìere trước mặt cũng được đổi tên thành đường Gia Long.

Từ năm 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị hư hại, tổng thống Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây và ở đây cho đến ngày bị lật đổ vào tháng 11 năm 1963.

Trong thời gian 1964–1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập mới được xây lại xong, tòa nhà này được dùng làm trụ sở của Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.                                                   Đông Kha                                                                                                                              https://baomoi.com 



__._,_.___

Posted by: Vinh Tran <viditran@yahoo.com>