Thursday, July 7, 2016

BIẾT TRẢ LỜI SAO Bài Nguyễn Hoàng (Nashville, TN)



Biết Trả Lời Sao?


Tôi nhớ có một dạo lúc hai đứa con gái tôi còn nhỏ, đêm đêm chúng hay nằm chung với tôi. Không phải chúng không có giường riêng. Nhưng chúng không chịu nằm riêng. Có lẻ chúng đã quen cái thời nghèo khổ của chúng tôi thời còn ở Việt Nam nên chúng cứ bu quanh cha mẹ để được che chở. Chúng không an tâm khi phải ngủ một mình. Và thế là tôi không được thoải mái tí nào vì phải nhường một khoảng rất rộng cho các con tôi được thoải mái trên chiếc giường cá nhân của tôi. Những lúc đó tôi hay nghĩ đến những lời giảng của cha già Lê văn Sinh, cha sở của giáo xứ tôi, khi ngài giảng về tình thương của người Mẹ. “Chỗ ước mẹ nằm, chỗ khô con nằm!” Và tôi lại ứa nước mắt nghĩ đến mẹ tôi.
Lúc tôi còn bé, tôi đã bị một cơn bệnh có thể cướp đi mạng sống tôi bất cứ lúc nào. Tôi chỉ nghe nói rằng mẹ tôi tuyệt vọng ngồi bên tôi, cứ khóc và khóc mãi đến nỗi mắt sưng húp lên. Thời đó Bác Sĩ không có nhiều, và chỉ ở thành phố thôi. Mẹ đã một lần khóc hết nước mắt lúc cha của tôi bị CS thủ tiêu mất xác. Và bây giờ đứa con độc nhất còn lại sắp bị tử thần cướp đi! Nhưng lúc tôi đã bắt đầu biết nhận thức, nhận thức đầu tiên của tôi là nhận thức về sự chăm sóc của người mẹ. Chuyện mẹ với con thời nào cũng có, nhà nào cũng có. Nhưng đây là chuyện cá nhân của tôi, kinh nghiệm của tôi. Tôi kể ra đây để thầm khóc cho một người mẹ suốt đời đã vì con mình đã lao đao vất vã, chỉ vì bà đã trót sinh một đứa con trong chiến tranh, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi chiến tranh sẽ cướp đi mạng sống của con mình bất cứ lúc nào như đã cướp đi sinh mạng của người chồng yêu dấu của bà. Và bây giờ, bà đã phải chấp nhận để đứa con mình đi xa, có lẻ không còn cơ hội nữa để nhìn lại mặt con lần cuối cùng của cuộc đời, cũng chỉ vì muốn bảo vệ con khỏi bàn tay ác nhân CS.
Đêm nào các con tôi cũng đòi tôi kể cho chúng một câu chuyện, chúng mới chuyện ngủ. Chuyện thì tôi không có nhiều, nên đêm nào cũng phải nặn óc để kể cho chúng nghe. Thét rồi cũng phải hết chuyện, và tôi lại phải bịa chuyện để có chuyện mà kể cho chúng nó ngủ. Và rồi một đêm kia, tôi lại phải mang những câu chuyện về người lính VNCH của tôi ra kể cho chúng nghe. Chúng im lặng lắng nghe. Rồi một lúc nào đó, có một đứa hỏi tôi: “Ba đi lính như vậy, ba có giết người không?” Tôi nhìn mấy đứa con thơ và im lặng. Tôi đã bảo chúng rằng không được nói láo, vì nói láo có tội, Chúa không thương. Bây giờ chúng lại hỏi tôi như thế, thật khó mà trả lời. Bảo không thì không được, vì đi lính mà không bắn thì sao được? Mà bảo rằng có thì với cái tuổi thơ ngây của chúng, nói như thế là đầu độc tuổi thơ của chúng. Nhưng im lặng với chúng không xong, vì chúng nó cứ buộc ba chúng phải trả lời. Tôi bèn trả lời với chúng rằng: “Chừng nào tụi con lớn lên ba sẽ trả lời, vì bây giờ ba “biết trả lời sao” cho vừa lòng tụi con?”
Câu chuyện trông có vẻ ngắn gọn và đơn giản như thế. Mỗi người đều có một câu chuyện có vẻ đơn giản đối với người nghe, nhưng lại không quá đơn giản đối với chính mình, vì đó là một kinh nghiệm bản thân, có khi có cả máu và nước mắt trong đó. Và câu chuyện của tôi cũng thế. Nếu có ai đó đọc được và thông cảm được câu chuyện của tôi, họ sẽ hiểu được tại sao tôi lại có những hành động như thế, họ sẽ hiểu được tại sao tôi hận thù CS như thế, và tại sao tôi lại lì lợm như thế. Thật ra, đúng là tôi lì lợm thật. Nếu tôi không lì lợm, có lẻ mẹ tôi đã không âu yếm gọi tôi bằng “Thằng Lì” bao giờ. Lì là tên cúng cơm của tôi. Cho nên nếu ai bảo tôi lì, tôi liền cười ngay, vì họ nào có hiểu tại sao tôi cười đâu!
Tôi sinh ra không phải để tìm danh vọng. Danh vọng là cái ảo, không ăn được. Nhưng hình như một số người chung quanh thấy tôi đang háo hức đi tìm danh vọng. Tôi đã từng bị chửi vào mặt là “háo danh”. Nhưng xin thưa quý vị, háo danh không đúng với trường hợp của tôi đâu, thưa quý vị. Tôi mà có danh vọng gì đâu. Chỉ vì quý vị dùng một cái chữ chưa đúng thôi. Tôi không có háo danh, nhưng tôi rất lì lợm, thưa quý vị. Một khi tôi đã tin tưởng vào việc gì, tôi nhất định phải làm cho bằng được. Không ai có thể ngăn cản tôi được kể cả vợ tôi. Nói thế có người sẽ cho tôi nâng vợ tôi lên cao quá. Nhưng không cao đâu, thưa quý vị. Biết bao nhiều người nỗi tiếng anh hùng, mà cũng chỉ vì vợ mà trở thành xuôi xị, buông xuôi những hoài bảo của mình.
Người ta thường ví von cơm và phở. Nhưng có ai ăn phở được hoài. Phở thì phải có đủ thứ đi kèm, mà ăn riết rồi thì cuối cùng phải ngán. Còn cơm thì mình cứ ăn dài dài, mạnh thì ăn cơm, bệnh thì ăn cháo. Ngày nào mà bạn ngán cơm ngán cháo thì cái giờ tử biệt của bạn sẽ không còn bao xa nữa đâu. Cho nên phải hiểu cho đúng về bà vợ. Người ta thường nói: có thực mới vực được đạo. Có nhiều người không thích câu này, trong đó có cả tôi nữa. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó thật là chí lý. Bụng mà đói thì con người bạn bần thần khó chịu, không làm được bất cứ việc gì, chứ đừng nói đến chuyện vác súng ra trận. Và cái bụng đó là vợ của bạn! Tôi chỉ nói vậy, bạn muốn hiểu thế nào thì ra thế đấy! Và tôi rất cám ơn Thượng Đế vì cái bụng của tôi lúc nào cũng đầy cơm cả, tuy rằng có lúc là cơm khô, có lúc là cơm nhảo và có lúc cả cơm khét nữa!
Thật tế tôi là một người rất tầm thường, nhiều khi còn thiếu ngay cả những thứ mà một đứa bé bình thường được hưởng. Tôi đã sinh ra trong môi trường chiến tranh. Lúc gần sanh tôi ra, mẹ tôi đã phải lo đi chạy giặc. Không biết cảnh đó có giống như cảnh dân chúng chạy loạn năm 75 không. Tôi nghĩ nếu không giống hoàn toàn thì chắc cũng được sáu bảy mươi phần trăm gì đó. Và vừa đến nơi là tôi sinh ra, không phải trong một căn phòng khang trang, nhưng là dưới một gốc mít. Và chỉ vài tháng sau là tôi mất cha và rồi phải sống trong một cô nhi viện. Vậy mà bạn nhẫn tâm gọi tôi háo danh ư? Tôi tự biết mình thân phận thấp hèn, nên cái từ háo danh bạn nên tặng cho người khác thì hơn. Tôi không dám nhận đâu.
Lắm lúc tôi tự nghĩ, nếu không có CS, tôi đã không mất cha một cách tức tưởi như thế, tôi đã không phải gửi thân vào cô nhi viện, và tôi đã có một cuộc sống bình thường trong sự thương yêu đùm bọc của cha mẹ tôi. Tôi mang một niềm oán hận CS kể từ đó. Và niềm oán hận đó mỗi ngày một tăng theo mức độ của cuộc chiến khi tôi nhìn chung quanh tôi thấy những cảnh giết người tàn bạo dã man của CS. Tôi ước mong được chóng lớn lên để được đi lính, để được chiến đấu bảo vệ những người thân khỏi bị CS sát hại như chúng đã sát hại cha tôi một cách dã man khiến tôi đây không còn một ngôi mộ để thắp cho cha tôi một nén hương tưởng niệm.
Tôi còn nhớ lúc tôi được chín tuổi, tôi gặp được một lưởi gươm rỉ sét trong một nghĩa địa ở Qui-Nhơn. Tôi đã mang nó về nhà và suốt ba tháng hè, tôi không đi chơi đâu cả, sáng chiều tôi cứ lúc thúc ở dưới bếp mài lưởi gươm đó. Không ai bảo tôi nghe cả. Mẹ tôi có đôi lần mang nó ném đi, nhưng tôi vẫn cố công tìm cho ra được mới thôi. Và cho đến ngày nhập học thanh gươm đó đã sáng lên không còn chổ nào hoen rỉ cả. Mẹ tôi hoãng hốt khi thấy tôi định mang nó vào tiểu chủng viện Sao Biển, nơi tôi đang tu học. Mẹ tôi đã khóc đòi mách với ông nội tôi và bảo rằng sẽ không cho tôi về thăm mẹ nữa nếu tôi cứ lì lợm như thế. Tôi rất sợ ông nội tôi vì ông có một cặp mắt rất sắc. Nhưng tôi vẫn không ngán bằng cái ý tưởng bị mẹ không cho tôi về thăm bà nữa. Và thế là tôi chịu phép, năn nỉ với mẹ và đồng ý ném đi lưởi gươm quý báu ấy xuống đường rày xe lửa trên chuyến đi về Nha-Trang để nhập học.


Lúc tôi vừa đúng tuổi tôi đã trốn mẹ đi nhập ngũ. Mẹ tôi đã tất tả đi tìm tôi tại trung tâm 2 Nhập Ngũ ở Diên Khánh. Tôi đã xin lỗi mẹ, viện lý rằng tôi đã đúng tuổi. Tôi đã nhìn được vẻ mặt tuyệt vọng của mẹ tôi vì con của bà sắp lại bị chiến cuộc nghiền nát như đã nghiền nát bao nhiêu thanh niên. Khi đối diện với quân thù, lúc đầu tôi cũng háo hức lắm. Nhưng sau đó, nhìn vẻ mặt sợ hãi của những quân thù bị bắt, tôi chợt chùn tay lại khi nghĩ đến những người thân của họ. Họ cũng là những người da vàng máu đỏ như tôi. Họ theo phía bên kia chỉ vì họ bị đầu độc bởi tà thuyết CS thôi. Và từ đó tôi đã thay đổi quan niệm. Tôi không còn căm hận họ như lúc còn bé. Và tôi đã đối xữ với họ một cách nhân đạo hơn, chiến đấu không phải vì muốn tiêu diệt những con người CS, nhưng là để bảo vệ đồng bào ruột thịt của mình.

Thế rồi Miền Nam bị bức tử. Tôi cũng như bao người khác thuộc quân dân cán chính VNCH bị CS cầm tù. Tôi đã nhận được vấn đề cốt lõi của những con người chiến thắng đó và đâm ra thầm tội nghiệp cho họ. Họ đã từng cầm lên một bao cà phê bột mà không hiểu cà phê là cái gì! Tất cả những con người đó chỉ lập đi lập lại một kiểu những gì họ đã bị đầu độc. Thì ra chỉ vì nghèo khổ và dốt nát họ đã bị phỉnh gạt để đi làm “Cách Mạng!” Các nước văn minh giàu có như Pháp, Mỹ cũng có đảng CS, nhưng họ có làm gì được đâu. Chủ nghĩa ấy, tà thuyết ấy chỉ sinh sôi nãy nở được trong những quốc gia còn chậm tiến còn nghèo đói trong đó có Việt Nam. Và một lần nữa tư tưởng của tôi bị giao động. Không phải mục tiêu chống Cọng của tôi bị giao động, xin quý vị đừng hiểu lầm. Đó chỉ là phương pháp hành động của tôi bị chao đảo. Tôi nghĩ rằng nếu toàn dân có được kiến thức như những quốc gia Âu Mỹ, họ sẽ giàu và lúc đó tà thuyết CS sẽ không làm gì được họ.
Với một quan niệm mới đó, khi vừa đến đất Mỹ, tôi đã tìm mọi cách để đi học thêm. Tôi nhận thấy ngay cả bản thân tôi cũng là con ếch ngồi đáy giếng. Tôi đi học để tự giúp mình và sau này nếu có cơ hội biết đâu tôi lại chẳng giúp được cho đồng bào quê hương. Tôi còn nhớ lúc tôi bắt đầu đi học, có người đã cản tôi, cho rằng tôi đi học để không đứng chung vào hàng ngủ của đồng bào của mình. Tôi đã thầm bảo: “BIẾT TRẢ LỜI SAO với các người? Và rồi các người sẽ thấy rằng các người đã nghĩ sai về con người tôi!” Và thực tế đã chứng minh rằng tôi không phải muốn sống tách biệt với họ! Trước mắt, tôi lao vào làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đồng hương của mình. Tôi đã làm công việc ăn cơm nhà vác ngà voi một cách không mệt mõi. Cùng với những người thiện tâm, chúng tôi đã lập nên được hội Cao Niên, mục đích là để giúp cho người già cả có được những giây phút thoải mái.
Phong trào Việt Khang một lần nữa đã khuấy động tâm tư tôi. Không những tôi là một người cao niên, tôi còn là một quân nhân chưa bao giờ được giải ngũ, và trên hết tôi vẫn là một người Việt Nam. Mấy chữ Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm vẫn còn đó, đè nặng trên tâm trí của tôi. Tôi cứ tưởng đâu mình chỉ việc hưởng ứng cái cộng đồng mới thành lập ấy là xong. Nhưng không ngờ, cái cộng đồng này lại đi theo một chiều hướng khác. Họ không chịu đứng ra bầu cử đàng hoàng. Hơn thế nữa, họ còn đi theo đường hướng độc đoán, xữ dụng những ngôn từ độc tài của CS trong nội quy của họ, và lại hướng ngoại, chịu đặt mình dưới trướng của Hoàng Gia Lào! Và vì thế chúng tôi lại phải ra mặt!
Khi làm việc này có một số người đã trách tôi đã bỏ đi mục đích khi thành lập hội Cao Niên là không tham gia chính trị của mình. Có người còn đi xa hơn nữa, gọi tôi là háo danh, với ý muốn là đánh gục tôi. Có lẻ tôi sẽ ngã gục thật đó. Nhưng dù có bị ngã gục tôi cũng cảm thấy mãn nguyện vì tôi đã làm đúng theo lương tâm của tôi. Tôi chỉ không phục những vị cao niên có những tư tưởng như thế. Theo tôi họ đã tự biến mình thành một ốc đão. Họ vẫn cho mình là những người quốc gia, vẩn chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ tiêu biểu cho họ, tiêu biểu cho tư do, độc lập và nhân quyền. Nhưng họ lại tự mình muốn tách rời khỏi cộng đồng người Việt, không muốn làm gì cả.
Dưới con mắt của người Mỹ, hội cao niên người Việt Nashville là gì? Đó không phải là một đoàn thể độc lập, đó chỉ là một thành phần nào đó của cộng đồng người Việt. Vậy quý vị phụ trách hội Cao Niên nghĩ sao khi nói rằng mình chỉ chủ trương phi chính trị, nghĩa là quý vị tự mình tước bỏ cái danh hiệu người Việt Quốc Gia hay sao chứ? Có thật rằng chúng ta đã biến thành người Mỹ hoàn toàn không còn lo gì đến những người Việt Nam đau khổ đang còn phải đối mặt với hận thù, với chết chóc, với gông cùm không? Có thật là chúng ta hoàn toàn vô tâm với âm mưu bán mất nước Việt của CSVN không? Nếu quý vị chủ trương rằng ai chết mặc ai, ta không quan tâm đến, chỉ cần chúng ta vui chơi thỏa thích cho đến ngày chúng ta nhắm mắt xuôi tay, thì nói thật tôi cũng chẳng BIẾT TRẢ LỜI SAO với quý vị nữa. Và những kẻ mừng nhất chỉ có một loại người thôi. Đó là tập đoàn CSVN.
Như quý vị thấy đó, khắp nơi trên đất Mỹ, người Việt đang tìm cách xích lại gần với nhau. Không có một hội đoàn nào sống hoàn toàn độc lập riêng rẻ cả. Nhưng tại sao Hội Cao Niên hiện nay lại chủ trương như thế? Những câu như là hám danh tôi đã nghe quá nhiều rồi, phi chính trị cũng thế. Đó là những chiêu CSVN nhằm đánh vào các phần tử quốc gia. Và nói thật, nếu tất cả quý vị nói như thế, thì tôi chẳng BIẾT TRẢ LỜI SAO nữa.
Ngày 24 tháng 3, 2015.
Một ngày thật buồn
Nguyễn Hoàng



No comments:

Post a Comment