Sunday, July 17, 2016

TÌM ĐÂU CHỐN CŨ


Người Núi Nhỏ,Tư Cầu vừa nghỉ hưu lúc nửa khuya đêm thứ Sáu ( 4 Cầu làm ca đêm), sáng thứ bảy lái xe chở vợ về Chicago ở chơi với 5S và viếng cảnh. Cách xa hơn 10 giờ lái xe. Đụng "chai" với 5S như thuở nào. Cả hai gọi thăm 5 Lũng và Tư Gấu. Những người "muôn năm cũ". 
 Rất tiếc,như từ lâu, không nghe được tiếng cười của Gấu vì ...Gấu đang ngủ. 

 Thân mến 
5S
(BBQ sau vườn. Vợ chồng 4C ngồi giữa hai Sói)

Núi Nhỏ Lương Sơn.
Hai Lửa, thủ lãnh Sơn đầu,
Như khói sương khuất núi đầu thu
Trên lưng chừng mây trắng,
gặp Ba Đen
Người tráng sĩ vị quốc vong thân, ngày mất nước .
Ba Mu cười hiền, qua nhiều tai biến
Vẫn ôm rùa gặp gở anh em.
Tư Gấu, tuy gần mà rất xa.
Lệnh Hồ Xung Núi Nhỏ,
từ lâu lắm cố tìm không gặp,
Ôi người rất thân, kỷ niệm nhớ đời.
Năm Lủng,  bạn rất hiền 
còn hiền hơn ma xơ
Năm trước thường gặp
Tháng trước soi tim
Giờ ni gối mòn run bước.
Tư Cầu khổ chịu gian truân,
nghe kể chuyện thê nhi tan nát, 
lòng đau ứa lệ. 
Bảy Teo đó, làm thơ nhắc nhở
Lại nhớ thương Sáu Lẹo
một thằng em tài hoa mệnh yểu. 
Còn rất nhiều kể hoài không hết,
Những người xưa và ngày xưa thân ái!!!
5S





Mến tặng Quý AE đã từng ở NNVT .
dcs

Tìm đâu chốn cũ  

Vũng Tàu núi nhỏ đời yên tĩnh
Cảnh vật gần xa rất hữu tình
Người đến người đi lòng thanh tịnh
Vũng Tàu núi nhỏ chốn chân tình !

16 -7-16
Dương Công Sự  

On Jul 17, 2016, at 12:09 AM, loc huynh huynhtanloc43@yahoo.com [CongTyBachHoa] 
Bốn câu thơ của Sự làm nhớ lại biết bao nhiêu
là kỷ niệm ở Núi Nhỏ của một thời gian chúng 
mình chung sống mà chắc chăn chúng ta sẽ
không bao giờ tìm lại được trong cuộc đời còn lại của chúng ta. Cảm ơn Bảy Teo rất nhiều.
      Tư Gấu


Tuesday, July 12, 2016

Kim Tuyến Viết Về Kim Cương



Tôi gặp nghệ sỹ Kim Cương tại Westminster !
Tôi vừa nhận ra chị đi với một phụ nữ và một cặp vợ chồng trước cửa Phở Pasteur trên đường Westminster / góc Brookhurst khoảng 7 giờ tối Thứ Bảy July 9 . Tôi nhìn chị và thấy người phụ nữ nhìn tôi kề tai chị .. Chị bước đi về hướng chợ 99 cent .
Tôi đi theo và gọi tên chị thật to khi chị bước vào trong chợ :
" Chị Kim Cương ! "
Người phụ nữ kia cười nói ngay với chị KC :
" Thấy hôn ! Em biết thế nào chỉ cũng lại nhìn chị ."
Có lẽ cô ấy tưởng tôi là khán giả ái mộ chị Kim Cương ?
Chị KC quay người lại tôi , tôi nói ngay : 
" Em Kim Tuyến đây ."
Chị ôm tôi cười nói : 
" Em bây giờ mập ra ."
Tôi nghiêm mặt nói :
" Chị đã từng tuyên bố ngay sau ngày 30/4 :
Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Nguỵ 
nhào . Vậy chị qua đây làm gì ?
Chị KC ôm hai vai tôi nói :
" Em ơi , chị em mình già cả nên lẫn rồi ! Em đừng
nghe lời ai đó ...." 
Tôi chận ngay và giận run vì KC cho là già cả nên lẫn và sống sượng trân tráo khuyên tôi đừng nghe lời người ta ...Tôi nghiêm giọng lớn tiếng bóp hai cánh tay chị :
" Tôi không nghe lời ai cả . Chính chị sau 30/4 đã kêu gọi tất cả ca nhạc sỹ , nghệ sỹ tân cổ đến họp tại Hội Nghệ Sỹ . Chị nói như vậy có tôi và chú Tùng Lâm .
Chị là kẻ ăn cơm Quốc gia , thờ ma CS . Là Việt Cộng nằm vùng ! Chị đã tiếp tay cho CS ăn cướp Miền Nam . 
Đánh cho Mỹ cút Nguỵ nhào . Bây giờ qua Mỹ để làm gì ??? 
Thấy tôi lớn tiếng giận dữ , KC và người phụ nữ vội kéo nhau đi vội ra Parking . Tôi la vói theo :
" KC , ngày xưa chị là thần tượng của tôi trong nghề nghiệp .Nhưng bây gìờ tôi khinh ghét chị ! "
Hơn 40 năm qua những gì KC nói tôi không sao quên được ! Tôi đã im lặng không muốn công khai hoá sự việc này , vì chị là người nghệ sỹ đàn chị mà tôi rất ngưỡng mộ tài nghệ của chị . Nhưng sự hiện diện của chị trên đất nước Hoa Kỳ mà chị đã từng hô hào đánh đuổi , nhục mạ bọn Thiệu Kỳ bán nước . Dĩ nhiên chị đã vui sướng trên nỗi đau uất nghẹn của những người lính VNCH đã hy sinh xương máu bảo vệ miền Nam thật an bình cho chị được tự do ca hát sống một cuộc sống sung túc ấm no . Chị đã phản bội đồng bào vô tội tiếp tay cho CS tàn hại cuộc sống tươi đẹp của mọi người !
Biết bao nhiêu nạn nhân đã vùi thây trong lòng biển cả !
Tôi đã chứng kiến tận mắt xác các thuyền nhân đi cùng trên tàu đã phải thả xuống lòng biển mênh mông ...5 tuổi , 7 tuổi , phụ nữ , đàn ông trẻ vừa ra khỏi tù CS vượt biên cùng vợ con thơ dại , lên boong tàu tìm nước uống cho con , chẳng may sóng đánh cuốn dạt xuống biển khơi giữa đêm khuya . Những tấm hình và hành lý không ai nhận vì những người chủ của nó đã bị sóng cuốn trôi khi tàu bị bể giữa đêm đông mưa bão !!!
Chị Kim Cương ơi , tôi đã giận điên lên khi chị nhởn nhơ trên vùng đất của những người tỵ nạn CS chúng tôi . Chị có thấy mình hèn và nhục nhã không ? Chị có thấy tội nghiệp cho dân lành đang sống trong cái chủ nghĩa mà chị từng ca ngợi khi chính CS mới là bọn bán nước .
Nếu chị cảm thấy mình sai , chị nên xin lỗi đồng bào và những người lính VNCH .



41 năm về trước ....
Theo lời kêu gọi trên Đài Phát Thanh của KC . Tôi và rất đông các cô chú anh chị ca nghệ sỹ ,nhạc sỹ có mặt kẻ đứng người ngồi sau sân và dọc theo hai bên hành lang trụ sở Hội Nghệ Sỹ chờ đợi chị KC . Tôi ngồi trò chuyện cùng chú Tùng Lâm phía sau sân . Tôi chú ý thấy cô Ngọc Nuôi chạy vào khuôn mặt đầy nước mắt :" Anh Hùng ơi anh Hùng ! Anh đi bỏ mẹ con em ..." . Chị KC xuất hiện, thấy chú Lâm và tôi , chị ngồi cạnh tôi . Tôi nhìn chị rưng rưng :" Em buồn quá chị ơi !"
Chị kéo đầu tôi ngã vào vai chị, vỗ về vuốt tóc tôi :" Đừng buồn em , chị em mình rồi sẽ được Giải Phóng ra khỏi bốn bức tường ! " Tôi sững sờ ,ngỡ ngàng đưa mắt nhìn chú TL, nước mắt tôi đã rơi từ bao giờ và khựng tại lúc đó. Tôi thầm nghĩ , mình đâu có bị ai nhốt trong tù đâu ? Mình vẫn đang đi hát , đi làm lo cuộc sống cho gia đình mà !? Chị KC nói lớn : " Mọi người vào trong , đến giờ họp ." Chị nắm tay tôi, kéo tôi đi cùng chị vào trong phòng họp .Chị KC ngồi ngay đầu bàn chủ toạ .
Chiếc bàn thật dài , đông đủ anh chị em ca nghệ sỹ , kẻ đứng người ngồi, chờ đợi xem chuyện gì sắp tới . Chị kéo tôi ngồi cạnh bên tay mặt của chị , chú Tùng Lâm ngồi kế bên tôi . Nhạc sỹ Nguyễn Đức ngồi sát phía bên trái của chị Kim Cương .
Bắt đầu buổi họp , chị dõng dạc tuyên bố :
Ngày xưa bọn Thiệu Kỳ bán nước còn hiện diện trên Quê Hương ta , tôi phải núp dưới danh nghĩa Làng Cô Nhi Long Thành .Hôm nay chúng ta đã đánh cho Mỹ cút Nguỵ nhào . Tôi ra lệnh cho anh Nguyễn Đức lập những tiểu tổ , để chúng ta thành lập Biệt Đội Văn Nghệ ....." , chú Tùng Lâm nghiêng đầu nói nhỏ vào tai tôi :" "Tuyến khóc nữa đi con , mầy khóc nữa đi con " .
Tôi thất vọng não nề Trong khi chị KC thao thao bất tuyệt , tôi không còn nghe hay không muốn nghe gì nữa cả . Trời ơi ! Thần tượng sụp đổ !
Anh La Thoại Tân có lần kể cho chúng tôi nghe trong khi tập kịch tại Mỹ vào năm 1984 như sau :
" Trước khi mất nước , Kim Cương mời đi hát và cho biết tụ tập tại Làng Cô Nhi Long Thành . Đợi tới chiều mà vẫn chưa khởi hành , anh hỏi là sao chưa đi ,rồi chừng nào mới hát ? " 
Kim Cương nói :" Chút nữa lên xe nghệ sỹ ngủ một giấc là tới nơi hát ." Anh La Thoại Tân nói tiếp : " Trời ơi ! Chờ đợi mệt quá , lên xe , anh em ai cũng ngủ . Chừng tới nơi mới biết nó đưa vô rừng hát cho VC ! "
Viết bởi nghệ sỉ cải lương Kim Tuyến.


Monday, July 11, 2016


Thuốc Lào Trong Tù "Học Tập Cải Tạo"

Nguyễn Thừa Bình



Tôi thường nghe nói, người miền Nam hút thuốc điếu, người miền Trung hút thuốc vấn, và người miền Bắc hút thuốc Lào. Tôi lớn lên và có trí hiểu biết một chút từ những năm 1950, 1960 trở về sau nầy thì đúng là người miền Trung hút thuốc vấn, người miền Nam hút thuốc điếu thiệt, nhưng người miền Bắc đang ở trong Nam, tôi hiếm thấy ai hút thuốc lào. Thời đó cho đến trước 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà Việt Cộng nghèo đói ngoài Bắc tràn vào trong Nam cướp của, giết người gọi là Giải Phóng tôi đâu có thấy ai hút thuốc lào bao giờ? 




hút thuốc vấn


Ở Phan Thiết, nơi trộn trạo giữa hai miền Trung và miền Nam của nước Việt Nam hình cong chữ S, tôi thấy người ta vấn, se thuốc rê làm thuốc vấn, thuốc điếu mà hút. Hút còn dư quý cụ già nhứt định không bỏ đi, lại ịn vào cái cột nhà để dành cho đủ nhiều mà vấn hay se lại điếu thuốc khác. Sau khi bắt đầu đời tù “học tập cải tạo” ngày 27 tháng 6 năm 1975 tại Biên Hòa trở đi, anh em tù nào đã ghiền hút thuốc lá trước đó thì không ai lại không biết huơng vị ngọt ngào, đắng cay của thuốc lào qua hình dáng của cái điếu cày “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.



Thuốc lá nói chung cả thuốc lào được gọi là tương tư thảo vì một khi đã ghiền rồi thì đố mà bỏ đi dễ dàng cho được. Tôi bị bệnh suyễn nặng, năm 1992 biết sẽ phải khám phổi để đi HO 14 qua Mỹ, bác sĩ khuyên phải bỏ thuốc. Vậy mà tôi có bỏ đâu, vì không hút thì nhớ, thì thèm… cứ hút lai rai, cứ hút dài dài. Vào tù “học tập cải tạo” tại Trại An Dưỡng Biên Hòa, ban đầu anh em vẫn nhín hút Capstan, Ruby, Bastos Xanh, Bastos Ðỏ, chưa thấy ai ngậm Mai, ÐaLat, Sa Pa, Cửu Long, Ðồ Sơn, Tam Ðảo… của Việt Cộng hút khét họng, thúi miệng; nói gì đến thuốc lào của mấy nhóc “bộ đội” khố rách áo ôm ngoài Bắc đem vào. Thời gian phỉnh gạt 10 ngày qua đi, đời tù “học tập cải tạo” cái gì cũng hết, cũng không có, ngay cả cái ăn, cái mặc! Thuốc lào ra đời. Những anh tù lần hồi đổi chác áo quần đem theo mặc và vài thứ vật dụng đem theo dùng cho những tên cán bộ, những tên “bộ đội” miệng còn hôi mùi rừng rú và nông trường nghèo khốn ngoài Bắc để lấy ít thức ăn cho đỡ đói, lấy mấy bánh thuốc lào hút qua cơn ghiền chết điếng. Từ đây đã nghe tiếng rít của hút thuốc lào. Cũng từ đây hút thuốc lào đã xảy ra nhiều tai nạn thảm thương tội biết chừng nào cho những người tù một thời hiên ngang tay súng diệt thù trên khắp nẻo đường quê hương. 



Cụ già hút điếu cày


Năm đó, từ Noël 1975 cho đến Tết Nguyên Ðán 31 tháng 1 năm Bính Thìn 1976 sao lạnh dữ! Không ai còn một điếu Capstan, Ruby, Bastos Xanh, Bastos Ðỏ hay ngay cả các loại thuốc chằn ăn trăn quấn Mai, DaLat, hoặc quá tệ đi nữa thuốc rê hạng bét… cũng không có mà hút cho ấm bụng ấm dạ một chút. Thôi thì “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, anh em tập tành hít đỡ thuốc lào, để mấy cọng tương tư thảo khỏi hành hạ nhớ nhơ thương thương mà chết điếng cả con người. Rồi một sáng trước khi đi “lao động là vinh quang”, một anh đã phải khiêng xuống trạm xá. Mấy ngày sau nghe nói, anh ta đã bị cưa đi một cánh tay phải ở bệnh viện huyện Công Thanh. Anh là phế nhân? Phế nhân trong tù “học tập cải tạo” cũng phải “mình vì mọi người” mà lao động như ai. Ðược biết, anh ta “tranh thủ”, “khẩn trương” chạy xuống nhà bếp “phi” một “bi” cho “phê” cái bụng lạnh ngắt trước khi vác cuốc ra rừng. Và ảnh “phê” hết sức là “phê” thiệt, chẳng biết trời trăng mây nước gì ráo, chống tay vào chảo đụn có nước đang sôi sùng sục mà sức không đủ kéo tay ra, miệng không đủ sức la to cầu cứu. May có mấy “anh nuôi” quanh quẩn ở đó lôi ra, kéo ra và tri hô lên không thì cũng có thể chết oan, chết uổng lắm. Tôi không phải dân ghiền thuốc lá cho lắm, nhưng trên môi thỉnh thoảng cũng phải phì phà một, hai điếu mới được, không thì cũng thèm thuồng. Tương tư thảo là vậy. Một sáng, chắc ngày cận Tết, anh Ðại Úy Nhuận, cựu SVSQ Khóa 3 Học Viện CSQG, người Bắc cùng tổ, cùng đội, cùng “lán” 27 là “dân chơi” thuốc lào từ lâu, mời: “hút một điếu thuốc lào cho khuây khỏa ông bạn”. Anh ta đưa cho tôi một cái ống tre to như ống thổi lửa, trong có một ít nước lỏng bỏng, và trên có một cái ống nhỏ đút thông vào. Một tay anh vân vê mấy cọng thuốc tròn lại, rồi nhét nó vào cái ống nhỏ đó; một tay anh mồi lửa lên từ một que tre chẻ mỏng và châm vào, bảo: “hít mạnh vào, ém hơi lại, nín thở”. Làm theo, tôi hít dài thật dài hơi vào cái lòng ngực, giữ nó lại ở đó cho lâu không thèm thở ra. Tá hỏa tam tinh, đất trời bay nhảy ngã nghiêng, tôi lơ mơ lờ mờ hết biết gì, ngã sấp xuống luống nước trồng cây bạc hà giữa hai “lán” 26 và 27. May ông Nhuận lanh tay với hai ông bạn tù nữa kịp kéo lên và giữ lại trong nguời, tôi từ từ tỉnh lại, không thì bị chết, mà chết đuối trên cạn mới là kỳ. Về sau tôi mới biết, cái ống tre đó người ta gọi là cái “điếu cày”; que tre chẻ mỏng làm lửa châm hút đó, người ta gọi là cái “đóm”, cái ống nhỏ và cụt đút thông vào cái lỗ ống tre đó, người ta gọi là cái “nõ điếu”, mấy cọng tương tư thảo được vê tròn nhét vào cái nõ điếu, mấy anh em tù “học tập cải tạo” đặt tên là “bi”, bi thuốc lào. “Bi”, chắc tại vì mấy cọng thuốc lào tròn vo như một viên bi hồi nhỏ mấy đứa con nít thường chơi? Trước đó trong Nam, thuốc lào như trên đã nói, tôi hiếm thấy ai hút. 




Tiệm thuốc lào Thiên Phát 888


Khoảng những năm 1964 đến năm 1967, hai con đường tôi thường tới thăm hai người bạn gái là đường Phạm Hồng Thái, khúc gần Ngả Ba Ông Tạ và Chi Lăng, khúc Võ Di Nguy quẹo phải qua, tính từ Cầu Kiệu xuống, tôi thấy có tấm bảng quảng cáo Thuốc Lào 888 Vĩnh Phát. Ðặc biệt tấm bảng quảng cáo thuốc lào nơi đại lộ Chi Lăng có vẽ hình một ông già mặc áo dài đen, đầu đội khăn đống đen, tay cầm ống hút gắn vào một cái chén, và kế bên có câu thơ “Ông đây đã bỏ thuốc lào. Thấy 3 số 8 lại đào điếu lên”. Sau nầy tôi mới biết cái ống hút đó người ta gọi là “cái se” và cái chén hút đó là “cái điếu bát”. Thuốc lào chỉ có người Bắc hút và ngày di cư vào Nam chắc đã đem theo, mà chúng ta có thuốc lào Cái Sắn, thuốc lào Gò Vấp, thuốc lào 3 số 8 Phú Nhuận, cả thuốc lào 3 số 9, và 3 số 5 nữa…? Anh em dù ngoài Bắc di cư vào Nam còn rất nhỏ, đâu có lưu tâm, lưu ý gì và cũng đâu thấy hút xách gì mà sao nói về thuốc lào bây giờ trong tù rành rọt dữ. Nào là thuốc lào ngon có tiếng là thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo ở Hải Phòng hay thuốc lào Quảng Xương ở Thanh Hóa. Chưa hết, từ đâu những câu thơ nói về thuốc lào, anh em khề khà đọc ra rào rào, nghe ghiền cái lỗ tai. Nầy nhé “một thằng hút bốn thằng say. Hai thằng châm đóm ngã lăn quay”, nào nhé “thuốc lào chồng hút vợ say, thằng con châm điếu lăn quay ra nhà” nữa nhé “nhớ ai như nhớ thuốc lào. Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”…




Chừng một năm sau, một đêm hạ tuần tháng 6 năm 1976, dưới ánh đèn leo lét, vàng vọt sương khuya trên bến Tân Cảng dưới dốc cầu Xa Lộ Biên Hòa chờ lên tàu ra Bắc, tôi thấy nhiều cái điếu cày dài, ngắn, to, nhỏ đủ màu, đủ kiểu. Chúng được treo lủng lẳng đằng sau những cái túi hành trang xơ xác chắp vá bằng những bao cát luộm thuộm nghèo tận mạng hay được cầm nơi tay cằn cỗi, gầy guộc của những anh em bạn tù không án, không biết ngày về vật vờ như những bóng ma. Ðiếu cày, từ đấy về sau, một số anh em giữ nó như giữ tình một người bạn tri kỷ, một quý vật bất ly thân đời tù eo sèo rày đây mai đó sống chết không biết lúc nào! Một số chúng tôi được đưa đến trại 4 ở xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái của đoàn 776 thuộc Bộ Quốc Phòng. Ở đây hay ở đâu chúng tôi tới đều là những nơi rừng sâu núi thẩm để phá núi, lấp sông… Bao nhiêu năm tù đi nữa, chúng tôi cũng ăn dù ăn toàn là củ khoai mì luộc, hay bột lúa mì làm ra cái “bánh xe lãng tử” lúc nào cũng đói meo như chưa ăn thứ gì vào bụng và mặc thì bao giờ cũng thịt da trơ ra với trời đất buốt đau như cắt, như xé bất kể Hè, Ðông. Mấy ngày đầu “định cư” trên xứ Bắc nghèo mạt rệp, anh em còn phì phà điếu thuốc Sông Cầu trại vừa mới phát cho. Lần hồi âm âm u u vượt từ rừng núi nầy tới rừng núi kia khắp các tỉnh miền Thượng Du, Trung Du đời người tù “học tập cải tạo” với hằng trăm, hằng ngàn lần “biên chế”, “chuyển trại”. Sức cùng, lực kiệt, người tù “học tập cải tạo” rãi xác chết khắp chốn hoang vu rừng thiêng nước độc, sơn lâm chướng khí vùng Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa…


Ðời người tù khổ sai biệt xứ không còn gì ngoài cái chết chực chờ, hút thuốc cũng là một nhu cầu “cho quên đi” cái đói hành hạ ngày đêm quanh năm suốt tháng; cũng “cho quên đi” nỗi đau trong lòng người tù sa cơ thất thế sống chết bất kể lúc nào? Những người bạn tôi, tôi thấy đã thẩn thơ thơ thẩn vì thiếu thuốc hút, không nói những thứ quen thuộc Pall Mall, Marlboro của Mỹ làm gì có; Capstan, Ruby, Bastos làm gì còn… của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta trước đó, mà mấy thứ hạ đẳng Cửu Long, Ðồ Sơn, Sa Pa, Tam Ðảo… của cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lạc hậu hút khét lẹt cũng không có bao nhiêu mà hút tạm đỡ ghiền. Nhiều anh bạn đã vấn lại thành điếu những thứ lá cây rừng, lá cỏ dại không biết tên là gì mà hút, mà sặc, mà quăng đi không kịp. Từ đấy trở đi, đủ loại, “cái gì của người tù cũng quý” được len lén tung ra “thương mại” với người dân khố rách áo ôm sống lơ thơ cuộc đời lam lũ nơi khỉ ho cò gáy. Họ “liên hệ” với nhau, ở đây tôi chỉ nói tới thuốc hút, chính là thuôc lào mà thôi. Trong Biên Hòa, tôi đã nghe anh em truyền nhau thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, thuốc lào An Lão của Hải Phòng là ngon nhất. Những nông dân, tiều phu sống đời cần cù đầu tắt mặt tối và chờ ngày buông tay. Họ trao mấy bánh thuốc lào và nói “thuốc lào Quảng Xương ngon lắm” và lấy về những áo, quần, dây nịt, giày, dép… chắc cả đời người họ chưa từng thấy chứ nói gì tới mang với mặc. Tội nghiệp! Thuốc lào trong các trại “học tập cải tạo” được anh em tù chia chác nhau mà hút. Chia chác qua các hình thức tình nghĩa anh em với nhau cũng có; qua việc đổi chác phần ăn sáng là thường. Ðã nói ghiền thì ghiền nào cũng “từ chết tới bị thương”. Có người đói thân tàn ma dại, vậy mà cứ ráng nhịn ăn sáng đổi lấy vài “bi” thuốc lào “kéo” cho đời “tới đâu thì tới”. Các bạn bè tôi đua nhau hút thuốc lào “một thằng hút bốn thằng say”; đua nhau làm ra nhiều cái điếu cày không cái nào giống cái nào. Cái mà anh em khoe nhau kèm chút tự đắc là cái nõ điếu. Cái nõ điếu làm bằng đá non màu xám đen dưới các suối không dễ tìm đâu cũng có quanh trại tù. Anh em đem về cắt, mài, dũa, khoét lỗ làm sao kêu thật to, thật thánh thót khi “rít” vào ở xa cũng nghe như tiếng chim họa mi đâu đây hót sáng bình minh. 



Ở đây cũng phải nói tới ông bạn Huỳnh Ngọc Thuận của tôi. Ổng với tôi Khóa 2 Học Viện CSQG ra, đi tù “học tập cải tạo” từ Biên Hòa ra Yên Bái, lên Hoàng Liên Sơn, về Lào Cai, xuống Vĩnh Phú… làm cái nõ điếu “đạt tiêu chuẩn” thì không thua ai? Ði “lao động là vinh quang”, người ta nghỉ giải lao trưa thì ổng xuống suối tìm đá non. Chiều “lao động là vinh quang” về, ổng mằn mò làm nõ điếu. Nhờ sáng trí, khéo tay và cộng thêm cần cù gốc gác người nông dân xứ Bình Ðiền, Bình Chánh, tôi nghĩ, khó có ai có thể làm nõ điếu hơn anh ta cho được. Cái điếu cày của Thuận một khi mà rít lên một hơi vào trời đêm thanh vắng nghe thánh thót chi lạ, làm ai ai dân hút thuốc lào cũng thèm mà mò tới trầm trồ. Chắc ghiền hút mới ghiền làm điếu cày, Thuận cũng đã từng bỏ ăn sáng “đổi chác” thuốc lào với anh em trong trại; và tay nầy cũng là hạng liều bạc mạng, chắc cũng đã từng “liên hệ” với người Tày, Mán, Mèo ở đâu đó để có thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo hay loại gì gì đó mà hút? Cái điếu cày trong tù “học tập cải tạo” không chỉ để hút thuốc lào mà còn để “kéo” thuốc rê, “rít” thuốc điếu cũng “phê” dữ. Những điếu Ðồ Sơn, Sa Pa, Thu Bồn, Sông Cầu, Phù Ðổng, Tam Thanh… lâu lâu trại mới phát một lần, anh em tù cắt ngắn ra làm 5, làm 6 bỏ vào nõ điếu hút cho được nhiều lần. Hút như vậy cũng còn “ngon” hơn nhiều hút mấy lá cây rừng vô danh có ngày chết không kịp ngáp.Hút như vậy lại nhớ đến anh Triết, Triết Ðiếc 101 ở Phân Trại 4 thuộc Trại Trung Ương Số 1 Lào Cai cắt cái “bánh xe lãng tử” nhỏ chút xíu ra làm trăm hột lựu để tối vào “đong đưa võng buồn” từ từ ăn từng hột một cho lâu hết, nhưng đói vẫn cứ đói chết cha. 



Thuốc lào hút đến như vậy mới là “phê”


Cũng ở đây, tôi lại nhớ đến ông Ðại Úy Chu Sỹ Lương ở Ðội Gạch, đội của ông Phan Già làm Ðội Trưởng và Ông Linh Phòng 2 làm Ðội Phó “lục đục suốt đêm”. “Lục đục suốt đêm” vì đói quá không ngủ được. Ổng cứ đi tới đi lui, cứ bò qua lăn lại làm sao mà đổ hết nước trong điếu cày chảy qua chỗ tôi nằm kế bên, chảy xuống mấy người nằm dưới “thúi chịu không nổi”. Giận nhau, anh em chửi thề oang oang như phường chợ búa của mấy bà đi chợ. Phải biết, cái thứ nước điếu cày hút lâu ngày mà lênh láng ra ngoài rồi thì dù đói thấy trời thấy đất, thấy cả ông bà ông vãi đi nữa dẫu đang có miếng ăn ngon biết chừng nào cũng chẳng màng mà lo bỏ chạy xa chừng nào tốt chừng nấy. Cái thúi của nước thuốc lào là cái thúi “điếc con ráy” ăn dầm nằm dề trên mền, trong chiếu, nơi gối… nhiều ngày nhiều đêm làm người ta mất ăn mất ngủ điên cả cái đầu. Còn vụ tai nạn hút thuốc lào trong các trại tù “học tập cải tạo” thì nhiều làm sao kể cho hết? Có anh hút đã quá mà lăn cù cù xuống suối vào mùa Ðông mưa phùn giá rét, lóp ngóp không bò lên được. Có anh hút trong bếp nấu ăn của trại, tay nắm thành lò đỏ om, bàn tay trở thành “nhất dương chỉ”. Tôi nhớ một lần là lần đầu tiên ở trại 9 của Liên Trại I dưới dốc Cây Ða, trại phát mỗi người 1 bịch nhỏ thuốc lào An Thái, anh em hút gần như cả trại đều say cách nầy cách khác, nặng nhẹ khác nhau. Anh Ấn là người đàn rất hay những lần văn nghệ được anh em mời hút một điếu. Ấn chỉ kịp hít một hơi dài rồi té lăn ra, miệng méo xẹo sùi nước bọt, mắt trợn trừng không đong đưa con ngươi, mình mẩy cứng đơ như người chờ chết. Ai cũng sợ, sợ ảnh chết oan chết ức, chết bỏ cô vợ trẻ và hai đứa con dại mà mới ngày hôm qua ảnh vừa khóc vừa kể. Cùng hôm đó, có rất nhiều anh em ở đội nầy, đội khác đều biết thế nào là say thuốc lào ghê quá! Thật ra thuốc lào An Thái chẳng “nặng” là bao, chẳng “ngon” là bao, chẳng là “cái thá gì” so với thuốc lào Cái Sắn, Gò Vấp, nói gì 3 số 8 Phú Nhuận trong Nam. Vì từ trước tới lúc bấy giờ, đâu có thuốc lào mà hút cho quen “đô”, nên bị say có thể chết là đương nhiên. 


Cái điếu cày tiêu biểu


Một hôm mùa Ðông lạnh quá, anh em chen nhau chùm nhum bên bếp lửa nấu nước nóng cho đội uống, có đến 3 anh cùng say một lượt, rủ nhau té vào bếp lửa đang hừng hực cháy đỏ. Một anh bị cháy trụi tóc, trụi lông mày; một anh được anh em kịp giựt người ra, nhưng cái chưn như động kinh dũi thẳng vào bếp mà thành “xi cờ que”; một anh 2 tay chụp cái thùng nước đang sôi trên bếp, hai tay phỏng mấy tháng đau khổ mới chịu lành. Ôi thuốc lào “một thằng hút bốn thằng say”! Vì như là một nhu cầu hết sức cấp bách, có người phải nhịn ăn để hút là đổi phần ăn sáng của mình để lấy vài “bi” thuốc lào mà hút cho lâng lâng đời “còn một chút gì để nhớ để quên”. Khoảng đầu năm 1977, anh Trầm Hữu Phước là Phước Lùn, người không biết hút thuốc gì hết trơn đã thêm phần ăn no nhờ đổi chác mấy “bi” thuốc lào lấy phần ăn sáng của người ta. Tôi không nhớ ảnh làm sao lại có được mấy bánh thuốc lào đen 3 số 8 Vĩnh Phát trong Nam gởi ra? “Cứ 3 “bi” là một phần ăn sáng”, ảnh rao đổi như vậy. Có người cũng bấm bụng nhịn ăn mà đổi. Nhưng nhịn tới mức đổi chác làm sao một vừa hai phải, chứ “cắt cổ” như vậy thì cũng có lúc không ai còn sức mà đổi. Lúc sau nầy trại phát thuốc lào loại tệ nhất hạng, một loại thuốc lào như một loại cỏ gì gì đó nhiều quá đến nỗi không có dụng cụ mà đựng cho hết, được anh em gọi là “thuốc lào thau”. “Thuốc lào thau” đã giết chết mộng làm ăn của Trầm Hữu Phước không còn đổi chác được nữa. Không dại cho ai hết, cũng không ngu đổi “rẻ như cho”, Phước bắt đầu hút thuốc lào say 3 số 8 đó. Hút như Phước là “kéo” cho thật lâu, “rít” cho thật dài và “ém” cho thật kỹ đến nổi không còn gì cho ai hưởng “sái”. Khi hút hết thuốc lào say mình đã tính kế “đầu tư” cũng là lúc Trầm Hữu Phước của ta thành dân ghiền thuốc lào chính tông. Là dân ghiền thuốc lào hơn ai hết, anh ta trở thành người nhịn ăn mà đổi lấy thuốc lào, có khi không được lào say 3 số 8, miệng cứ chửi liền liền “đ. má, đổi gì đổi cắt cổ”, mà ảnh đã quên, ảnh cũng là dân “cắt cổ” thứ thiệt, cắt cổ hơn ai hết. 





Chừng năm 1981 ở trại tù Thanh Lâm thuộc tỉnh Thanh Hóa, tôi lại nhớ đến ông bạn lớn hơn tôi vài tuổi tên Tĩnh, nghe nói là chủ tiệm may Cao Minh ở Tân Ðịnh? Tiệm may Cao Minh nổi tiếng ngày xưa, nằm sát bên tiệm chè Hiễn Khánh và rạp Casino Ðakao trên đường Ðinh Tiên Hoàng. Một sáng sắp sửa đi “lao động là vinh quang”, Tĩnh làm một “bi” thuốc lào lấy tinh thần. “Rít” làm sao, “ém” làm sao mà “phê” đến nỗi anh ta từ chỗ nằm trên cao ngã phịch xuống đất nằm một đống, miệng tại vì thuốc lào tê mê châu thân làm “cấm khẩu” không còn sức đâu mà la làng. Bây giờ không biết chưn cẳng anh Tĩnh có sao không, chứ hồi đó thì nghe nói gãy? Nói tới đây lại ngậm ngùi nghĩ ngay đến anh bạn cùng Khóa 2 Học Viện CSQG của tôi tên Lê Quang Vĩnh là Vĩnh Ðen đã chết vì thuốc lào tại trại Kinh Làng Thứ Bảy hay Thứ Bảy Kinh Làng nói chung cũng là vùng Miệt Thứ tỉnh Rạch Giá cũ và tỉnh Kiên Giang sau năm 1976. Ngày mai thứ Bảy vợ sẽ vào “thăm nuôi”, đêm đó thứ Sáu, Vĩnh lén ra các đìa quanh trại câu cá. Sáng ra, ngồi hong bên bếp lửa hồng cho ấm áp và “kéo” một “bi” thuốc lào không biết là lào Cái Sắn hay lào 3 số 8 để lấy tinh thần đón vợ ở lại hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Vợ chồng đã không gặp nhau cũng chỉ vì một “bi” thuốc lào. Vĩnh chết ngay tức thì khi mà lòng vẫn còn nghĩ chút nữa đây gặp vợ mà nụ cười chưa kịp tắt và các con cá lóc vẫn cứ lóc rồn rột trong cái đụt nằm kế bên…! Trước đó cũng có ở đây, một tù “học tập cải tạo” hút thuốc lào “chồng hút vợ say” đã té nhào vào chảo đụn mà bị thương một tay tưởng phải cưa cụt và bị mù một mắt suốt đời như tướng độc nhản Moshe Dayan của Do Thái. 


Cũng đã năm chục năm, sáu chục năm nay rồi tôi cứ thường được nghe người ta nói “từ chết tới bị thương” để diễn tả một sự việc mà dính dáng vào thế nào cũng bị tai họa, bị thiệt hại, bị nguy hiểm. Nghe ra kỳ kỳ lạ lạ nhỉ, tại sao không từ bị thương tới chết? Chắc có một hàm ý gì mà mình chưa nghĩ ra chăng, nếu không sao vẫn truyền miệng nhau đến bây giờ? Tôi nghĩ, cái “chết” nầy chắc không phải là cái chết của sự tắt thở “lên men thối”, mà cái chết nầy là cái sa đà “chết mê chết mệt” xa thì nhớ, vắng thì buồn, nghĩ tới thì quây quắc không chịu nỗi. “Chết mê chết mệt” như yêu say đắm một người, như ghiền thuốc phiện, như mê bài bạc… thì chắc chắn trước sau gì cũng “bị thương”. “Bị thương” là thân tàn ma dại, tán gia bại sản, chết cuộc đời và cả con người. Những người bạn tôi đó không may vào nơi gió cát phong trần “học tập cải tạo”của bọn ngụy quyền Việt Cộng trả thù, để phải “chết mê chết mệt” thuốc lào mà có người chết thảm chết thương; có người tàn tật phế nhân; có người đói tàn canh vẫn cứ đổi phần ăn sáng lấy 3 “bi” thuốc lào 3 số 8 mà hút. Chiến trường giữa lòng bom đạn, các anh đã không Vị Quốc Vong Thân “trở về bằng chiếc băng ca trên trực thăng sơn màu tang trắng”, và các anh cũng không “trở về trên đôi nạng gỗ, … bại tướng cụt chân. Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân bên người yêu tật nguyền chai đá…” Ðau, đau hết sức là đau! Một đời người không qua số phận? Số phận cá nhân của chúng ta không nằm ngoài tiền đồ của đất nước, của dân tộc không may đang bị bọn Cộng Sản Việt Nam quỷ yêu lộng hành, tác quái tàn hại. Hồn thiêng sông núi, anh linh tiền nhân… một ngày không xa nữa chắc chắn sẽ tru di bọn chúng Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Ðức Mạnh, Lê Ðức Anh, Lê Khả Phiêu và đồng bọn Việt Cộng… như những tên tội đồ dân tộc./.


Tháng Tám Năm Hai Ngàn Mười Lăm
NGUYỄN THỪA BÌNH