Thursday, October 1, 2020

HỒI KÝ TÙ NGUYỄN CHÍ LONG

 

HỒI KÝ TÙ CẢI TẠO TỪ NĂM 1975 ĐẾN 1981

Nguyễn chí Long

1/- Ngày 25/6/1975 tôi cùng các Sĩ Quan chiến hữu bị kêu trình diện cải tạo trong vòng 10 ngày, trong khi cắp Hạ sĩ quan chỉ đi 3 ngày thôi . Tôi đến Trường Trưng Vương trình diện và được đưa đi Trảng Lớn, Tây Ninh thuộc  BCH Sư Đoàn 18.

Mỗi ngày đều phải khai lý lịch, rồi ngồi nghe bọn bộ đội khoe thành tích chiến thắng Mỹ Ngụy, học tập chính sách nhà nước trước sau như một/ ngày nào cũng vậy. Sau đó đi lao động cuốc đất trồng khoai mì, đào giếng lấy đất đổ lên đường nhựa để trồng rau muống  cho đỡ tốn nước, đào hầm cầu để lấy phân trồng rau, lấy ống đạn đựng nước tiểu tưới rau, sáng sớm có anh đi ăn cắp nước tiểu để đi tưới, chìều tối thì tập họp kiểm thảo công tác trong ngày . Sau đó là giờ tự do , chúng tôi đi chung quanh giao thông hào tìm mhững chai nhựa, thùng nhựa để đốt làm ánh sáng, đây là năm đầu tiên chúng tôi ăn Lễ Giáng Sinh trong trại tù là những lô cốt trong trại.

Vấn đề ăn uống thì họ cho ăn gạo mốc đem từ trong rừng về cho chúng tôi ăn, và luộc rau muống chấm nước muối pha loãng, sau 3 tháng thì ăn khoai mì, chúng tôi bắt chuột lột da rồi nướng để ăn, bắt cào cào, dế , con gì nhúc nhích là ăn hết. Vào đầu năm 1976 trước khi chuyển trại, bọn VC đã xử bắn anh Ngô Nghiã để áp đảo tinh thần cho những ai muốn trốn trại sẽ bị xử như vậy.

2/- Ngày 25/5/1976 vào khoảng chiều tối, chúng tôi bị chuyển qua trại Long Giao và dọn dẹp kho đạn Long Khánh bị nổ trước đó mấy tháng. Đến ngày 7/7/1976 chúng bắt chúng tôi đi gỡ mìn chung quanh kho đạn. Sinh hoạt cũng y như vậy là vào buổi sáng khai lý lịch, học tập chính sách khoan hồng của nhà nước, rồi đi lao động trồng khoai mì, đào giếng. Tối về lại kiểm thảo, sau đó anh em Công giáo tụm nhau thành từng nhóm kín đáo đọc kinh lần chuỗi và đọc lời Chúa, vì cũng có người mang theo kinh thánh. Mỗi cuối tuần chúng bắt chúng tôi bắt chúng tôi bầy hàng đồ dùng cá nhân để khám xét và tịch thu cái gì chúng cho là phản động hoặc có gì đáng giá là chúng lấy, thời gian này ở ngoài đổi tiền, anh em chúng tôi lấy những tờ giấy bạc 500, 100 cắt ra làm đóm hút thuốc lào.

Về ăn uống thì thời gian này chúng cho ăn bột mì luộc bằng nắm tay / vì có Cha ở chung nên chúng tôi lột vỏ phơi khô làm Mình Thánh Chúa, ăn độn bobo , bắt chuột, ăn rau muống, rau đắng, chùm bao, lắy thuốc đạn thay củi đun bếp. Thời gian này bắt đầu xuất hiện cân tiểu ly để cân thức ăn sau khi đã chia vào đồ đựng, sau đó còn bốc thăm rồi mới được lấy phần của mình. Có lần một anh bị ốm không ăn được phần rau muống của anh cộng với của tôi gần nửa nồi tôi xơi hết vì đói qúa. Một hôm khi vào rừng lao động thì bắt được hai con mễn / trông giống con nai con/ về làm thịt cả trại được một bữa ăn thật ngon, vào mấy ngày sau trước khi chuyển trại họ cho 2 xe máy tẩy quần áo của Liên Xô mọi người xếp hàng mang quần áo của mình đi hấp. Bổng không biết sao máy bị hư nỗ tung làm 2 người chết,/ một bộ đội và một tù nhân/ anh em bảo 2 mạng này chết thay cho  2 con mễn bị làm thịt hôm trước.

Phần lao động thì vào rừng đốn cây làm củi, lấy mái tôn làm thùng gánh nước, gỡ vách gỗ làm đàn guitar , lấy dây điện thoại làm giây đàn, lấy bao cát cắt làm áo mặc vì áo cũ rách hết, áo này đặc biệt lạnh thì thấy ấm, nóng thì cảm thấy mát, lại dễ giặt và mau khô. Cắt nồi nhôm làm lược, làm trâm gởi về cho gia đình vì lúc này cho thăm nuôi. Có người thắc mắc là Cách mạng nói đi học tập 10 ngày là cho về, nhưng nay cả năm mà chưa thấy tăm hơi gì? Thì chúng lên lớp bảo là Cách mạng nói các anh mang theo tiền và lương thực trong 10 ngày còn sau đó nhà nước lo hết, thế là tôi nghĩ chắc là đi tù mọt gông không biết ngày nào ra đây???

Trước khi chuyển trại ra bắc chúng phát mỗi người 1 bộ quần áo tù sọc ngang màu nâu và cà phê sữa để dễ kiểm soát .

HỒI KÝ TÙ CẢI TẠO  (Phần 2)

3/- Ngày 23/5/1977 sau khi lao động về chiều tối họ tập họp chúng tôi bắt lên xe Molotova bít bùng, chở chúng tôi đi , khi đến nơi mới biết đây là cảng New Port ở xa lộ Biên Hoà, chúng tôi xuống một tầu buôn, xuống hầm tầu chúng kéo thang giây lên, chúng tôi ngồi như cá hộp. Sáng hôm sau chúng cho mỗi người một mẩu lương khô Trung Cộng, còn nước uống chúng tôi mang theo trong lon guigo để uống, nóng bức và hôi thối vì, khi đi tiểu xong chúng kéo thùng phân và nước tiểu lên sóng sánh đổ cả lên đầu những người ở dưới, sau 3 ngày tàu đến Hải Phòng. Lên bến thì thấy một giàn chào toàn chó Bergê và bộ đội tay súng AK chờ sẵn , dọc đường có những thùng phuy đựng nước uống cho chúng tôi trước khi lên tầu hoả ở ngay bến tầu. Đêm đó chúng chuyển chúng tôi lên Yên Bái, đến gần sáng ở dọc đường bị dân chúng ném đá la ó chửi rủa thậm tệ. Khi tới nhà ga thì chúng tôi bị còng tay 2 người một lên xe Molotova chở lên núi Hoàng Liên Sơn, nơi đó đã có sẵn những dãy nhà bằng tre do các anh đến trước làm sẵn, chúng tôi ở đây 5 tháng,

        Buổi sáng vẫn học tập về tội ác Mỹ Nguỵ và chiến thắng của Cách Mạng trước khi đi lao động. Đúng là lao động khổ sai, chúng bắt chúng tôi đập đá trên núi, làm đường chỉ tiêu mỗi ngày 2 mét đường đủ rộng cho xe hơi chạy được,  sau đó là phải vào rừng tre chặt vầu, một loại tre lớn trong có chứa nước, đôi khi khát qúa chúng tôi phải uống nước từ trong ống vầu, vì vậy nhiều người bị sốt rét ngã nước. Chỉ tiêu ngày 7 cây, có khi vưà chặt xong thì không tài nào kéo xuống được vì dây leo cuốn chằng chịt đành phải bỏ, chặt cây khác, trong rừng đầy vắt nó cứ bám vào cổ mà hút máu đến khi thấy ngứa là nó bay mất. Có đội thì đi đốn cây về cưa xẻ làm gỗ, đội chăn nuôi, vì ở trên núi chúng bắt chúng tôi cầy ruộng nấc thang, cứ 2 người kéo thay trâu thì 1 người cầm cầy.,lên rừng lấy lá cây làm phân, rồi đắp đê ngăn nước suối chuyền ống tre dẫn nước vào ruộng , có một đêm mưa thật lớn nên đê bị vỡ , cả trại phải thức dậy đi đào đất cứu đê .Một số lên chỗ cao đào đất đá rồi chuyền xuống chỗ vỡ , ở đó cứ 2 người dọng cừ dùng một khúc gỗ cao tới bụng đường kính khoảng 40 cm đóng thanh ngang nâng lên dọng xuống cho chặt đất, làm cả đêm không ai ngủ được...

       Về ăn uống thì phải đào sắn để ăn/ vì các anh đến trước đã trồng sẵn trước khi rời trại/ rồi phải vào rừng đốn măng về nấu ăn, chỉ tiêu ngày 30 ký, khoảng một bao bố đầy. Có lần tôi vào rừng đốn măng mãi đến khi mặt trời đứng bóng chỉ mới có nửa bao mà đã hoa cả mắt, tôi ngồi nghỉ cầu nguyện, tôi nhắm mắt đọc câu Lời Chúa : Lạy Chúa, Chúa phán ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ sẽ mở cho (Lc 11:9)  xin Chúa cho con tìm được măng con cần trong ngày hôm nay, lạ thay khi mở mắt ra nhìn đâu tôi cũng thấy măng, tôi tạ ơn Chúa và chặt cho đầy bao rồi mang về. Ngoài ra mỗi sáng chúng tôi được một bát bắp đá đủ màu sắc , vừa ăn vừa đếm đúng 30 hột ; cả năm đó có một con trâu  chết nên chúng tôi được một bữa ăn có tí thịt, một người được 1 miếng thịt bằng 2 đốt ngón tay, ngoài ra còn được ăn da trâu hầm cho nhừ cũng được một miếng. Sừng trâu và móng chúng tôi chia nhau cưa làm Thánh giá, tượng mẹ bồng con v.v....có  lần tôi bắt được một con rất núi dài bằng gang tay, tôi chặt đầu đuôi và nướng lên mấy anh em bạn cũng hưởng một chút Protein ăn rất ngon.

Một đêm đang ngủ thì nghe tiếng kẻng báo động, thì ra có 2 người trốn trại, sáng hôm sau cả trại bị tập họp phơi nắng và cán bộ lên lớp : Các anh không thể thoát khỏi nơi này đâu, quả thật chỉ sau 2 ba ngày thì 2 anh bị  dân quanh vùng bắt lại và đưa về trại. Tội nghiệp hai anh bị nhốt trong cũi tre ngay trước cổng trại , nằm không được, ngồi cũng không chỉ lom khom, và bị bỏ đói cho tới khi chết , mỗi ngày trước khi đi lao động thì chúng tôi phải nhìn cảnh ấy thật xót xa cho thân phận người tù của CS .  

4/-Đến ngày 25/10/1977 chúng tôi bị chuyển trại qua Lào Cay gần biên giới Trung Cộng , chúng bắt chúng tôi phải vào rừng đốn củi, chặt vầu, làm ruộng, trồng bắp, khoai mì, làm đường, nhồi đất sét pha với rạ băm nhỏ , đổ nước vào rồi đạp cho tới khi đất dẻo lại rồi đóng khuôn thành gạch phơi khô, xong chất củi gỗ đốn trong rừng rồi xếp gạch chung quanh cao như hình nấm chỉ chừa một cửa nhỏ ở dưới để châm lửa đốt nung cho tới khi gạch đỏ ; khoảng hơn một tháng là xong , họ chuyển gạch về thành phố để xây dựng nhà cửa, còn vầu thì nghe nói chuyển về nhà máy làm giấy .Có một hôm tôi bị ốm phải ở trong trại ngồi vót tre đan rổ rá, thì khoảng trưa tôi bị gọi lên trạm xá, ở đây có một anh mới chết (tôi không rõ tên anh) họ bắt 3 anh em chúng tôi phải đi chôn anh, họ để hòm trên xe cải tiến, loại xe 2 bánh có 2 càng để kéo, một anh kéo xe một anh đẩy hòm và tôi cầm cuốc xẻng đi theo lên núi, khi đi dọc đường, các anh đang làm ruộng đứng nghiêm ngả nón chào vĩnh biệt người bạn tù quá cố, nhìn cảnh này tôi ứa nước mắt khóc cho thân phận mình một ngày nào đó cũng sẽ như vậy.Khi lên tới dốc núi, 3 người chúng tôi thay phiên nhau đào huyệt, rồi một tên quản giáo bảo: các anh kéo xe hòm lên phiá trên huyệt và nhấc càng xe lên, thế là hòm tuột xuống hố.chúng tôi lấp đất và cán bộ cho ngồi nghỉ  ít phút, lợi dụng thời gian này chúng tôi đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố sớm về nơi vĩnh cửu. Khi đi lao động có khi anh em trại này gặp người ở trại khác chuyển tin cho nhau như: Ở ngọn núi cao nhất là nơi các vị chức sắc cao cấp như Tướng Tá, Linh Mục, Giám mục bị nhốt ở đó gọi là Trại Cổng Trời , họ bảo nhau là mỗi tối trước khi đi ngủ thì hướng về đó để thông công cầu nguyện, chúng tôi gọi đó là Vatican, đây cũng là nơi Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bị giam, sau này Ngài là Hồng Y được qua Rôma thuyết trình quá trình cải tạo của Ngài cho toàn thế giới biết.

5/- Vào đầu năm 1979 Trung Cộng đánh qua biên giới, họ biết trước nên vào ngày 16/6/1978 họ chuyển chúng tôi vào tỉnh Vĩnh Phú ở phiá Nam gần Hà Nội, họ nhốt chúng tôi chung với tù hình sự do Công An quản lý. Sau vài tuần có mấy tên Quản giáo trước ở Lào Cay về báo là những lò gạch do chúng tôi làm đã bị bọn Trung Cộng qua khiêng về Tầu hết không còn viên nào ??? Chúng tôi ở trại tù Phong Quang khoảng 2 năm. Ở đây nhà tù kín cổng cao tường và có nhà tôn và nằm giường xi măng, không còn ở nhà lá vách tre nữa, cũng có giếng nhưng rất tiết kiệm,mỗi lần tắm chỉ được một lon Guigo nước nhúng khăn vào vắt rồi lau người cho đến khi nước đen thui mới đem rửa chân. Ở đây chúng tôi được chia làm nhiều đội như: Đội chăn nuôi, đội cưa xẻ, đội rau xanh, đội mộc, đội lò rèn, đội văn nghệ. Riêng tôi được ở đội Văn nghệ,chúng tôi tập hát những bài nhạc của kháng chiến, rồi nhạc chiến thắng như có Bác Hồ ...cũng như múa điệu dân ca Cái Trống Cơm, Cây đèn cù,kịch kháng chiến chống Pháp , Hội nghị Diên Hồng v.v... Tôi nhớ khi diễn hoạt cảnh Hội nghị Diên Hồng xong, sáng hôm sau cả đội bị lên lớp: Các anh có ý gì mà cứ chiã gươm giáo vào cán bộ quản giáo vậy???   Số là khi hát đến đoạn:Thế nước yếu nên hoà hay nên chiến? Quyết chiến. Tất cả vũ công chiã gươm giáo ra phiá trước khán giả, cả nhà vỗ tay, thế là bị kiểm điểm ngay. Có người bạn, anh ở đội chăn nuôi kể là hôm chúng tôi được ăn thịt lợn là do anh bí mật nhét hột đậu xanh vào lỗ tai lợn, nó khó chịu qúa cứ đập đầu xuống đất như điên dại, thế là cán bộ bảo : làm thịt. . . thế là anh em có chút protein tẩm bổ .

Thời gian ở đây cũng được thăm nuôi. Tin tức ở ngoài được chuyển vào; nào là chuyện vượt biên 7 người đi bằng ghe, chuyện vợ ở nhà bỏ đi lấy chồng khác để nuôi con, chúng tôi rất hoang mang, quà thăm nuôi đại khái giống nhau, như thuốc lào, thuốc  lá có cán như Salem, Mall borro, Capstan từ nước ngoài gửi về, đường thẻ, thuốc ho, bột bích chi, áo quần, thế là cuối tuần chúng tôi mỗi người 3 cục gạch làm bếp nấu nướng, chia sẻ cho nhau những món quà thăm nuôi, chúng tôi nhồi khoai mì nướng làm bánh, nấu chè khoai mì, bắt cóc nhái ngoài ruộng về làm thịt, vì trại tù có nhiều khu xây tường chung quanh chỉ có một cửa chính ra vào thôi, ban ngày thì mở ban đêm thì khóa lại. Cán bộ Công an cũng thân mật hơn vì chúng tôi cho họ thử thuốc lá ngoại, họ thích lắm, họ thích nghe chúng tôi hát nhạc vàng, chơi nhạc ngoại quốc, có anh phi công kể chuyện đi học lái bên Mỹ, rồi chuyện Dysneyland, chúng tôi kể chuyện đời lính, ăn nhậu nhảy đầm và tối họ canh cửa cho chúng tôi hát, họ dễ dãi cho chúng tôi đủ chuyện, có anh Cán bộ kể cho tôi nghe là gia đình anh có người vượt biên qua Hong Kong, và nói nhỏ khi nào ra thì tìm cách đi đi chứ ở đây như chúng tôi thì khổ lắm. Có một phép lạ khi thăm nuôi , một Cha có người nhà gởi hàng chục tấm Mình Thánh chưa làm phép được dấu trong gói bột Bích chi, khi khám xét họ đổ hết ra bàn coi có gì phải tịch thu thì không thấy gì hết, rượu lễ thì bỏ trong lọ thuốc ho, thế là chúng tôi được rước Mình Thánh Chúa trong thời gian đó, mỗi ngày chỉ bẻ một miếng nhỏ hơn móng tay, còn lại thì dấu trong mũ đội lên đầu, để Chúa cùng đi lao động với mình.

     Công tác ở đây chính là làm ruộng, chúng tôi phải vất vả từ đầu đến cuối, lúc đầu là cuốc đất, cầy ruộng, tát nước, bừa rồi gánh phân bắc (phân người) và vào rừng lấy phân xanh,gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa , làm cỏ, lúc này bị điả đói cắn nát chân, xong đến mùa thì gặt lúa, rồi đập lúa, phơi lúa, xủi lúa bằng chân không... để đảo lúa cho mau khô, chất vào kho rồi xay lúa, chúng tôi được dịp mót lúa để nấu cháo lỏng mà uống cho đỡ thèm. Ngoài ra thỉnh thoảng chúng tôi phải ra sông kéo phà đưa xe hơi qua sông, bằng một sợi dây thừng to bằng cổ tay nối liền hai bờ sông chúng tôi khoảng 20 anh em ở trên phà kéo bằng tay đưa phà qua sông vì máy phà bị hư chưa sửa xong. Lúc này dân chúng ở đây cũng tỏ ra thân thiện với chúng tôi nên cũng dễ thở, từ năm 1980 bắt đầu có những người được thả về. Cứ sáng trước khi đi lao động thì nghe gọi tên, ai có tên thì ở lại làm việc với cán bộ. Mới đầu ai cũng sợ không biết số phận họ ra sao??? Nhưng sau này khi nghe họ gọi đến tên, tôi ở lại với khoảng 15 người thì mới biết mình được thả, không kịp chào hỏi anh em, những gì thấy không cần mang về thì tôi để lại trên giường ngủ cho người bạn bên cạnh dùng.

     Họ dẫn chúng tôi lên văn phòng trại làm giấy tờ ra trại , họ phát cho chúng tôi mỗi người 30 đồng, và chở ra ga Hàng Cỏ Hà Nội, chờ xe lửa vào Nam, tôi và anh bạn thân vào tiệm phở Bắc ăn ngay một tô 3 đồng, ôi cha ... nó ngon làm sao, thấy chúng tôi một số người lao động buôn gánh bán bưng, xe ôm, xích lô đến chúc mừng: Các anh học tập tốt được về ăn tết vui nhé... tôi gặp một anh xích lô nói: tôi còn Bà Nội và người cô ở số nhà 55 đường Duy Tân,Ngõ Huế nhờ anh về nhắn hộ Bà là tôi được về rồi, ngay tức khắc anh bảo: tôi biết nhà đấy , chờ tôi về đón Bà ra gặp anh cho. Chừng 15 phút sau anh xích lô chở bà nội và cô của tôi với người em gái con cô chạy xe gắn máy đến thăm tôi, Bà cháu ôm nhau mừng tủi sau mấy chục năm xa cách. Sau đó chúng tôi lên tàu lửa tiến về Nam.

     Tàu chuyển bánh từ từ ,lòng tôi thật vui như vừa từ cõi chết sống lại . . .Tạ ơn Chúa đã gìn giữ tôi còn sống đến giờ này . Tàu chạy từ Hà Nội, qua Nam Định,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh qua các làng mạc, thành phố nghèo nàn, dân chúng miền Bắc chỉ vẫy tay chào các anh Ngụy học tập tốt được về đoàn tụ gia đình, chúc ăn tết vui vẻ. .v.v

     Nhưng khi xe lửa qua cầu Bến Hải đến nhà ga Quảng Trị thì bà con miền Nam mừng rỡ đón chào ,chúc mừng và hỏi thăm tin tức thân nhân còn ở lại trong tù, họ biếu tặng chúng tôi bánh ú, khoai, sắn, trái cây vì biết chúng tôi mới ra tù nên tiếp tế cho chúng tôi dùng trong lúc đi đường. Tôi còn nhớ đến nhà ga Quảng Ngãi gọi là ga gà tôi mua ngay một con gà luộc và một xị đế 5 đồng, tôi và một người bạn thân cùng ăn ngấu nghiến cho đã thèm. Lúc về tới ga Bình Triệu, xuống tầu thì có rất nhiều anh em Hạ sĩ quan chạy xe xích lô máy và xe ba gác mừng rỡ ra đón chào tay và nói: Chào mừng các ông thầy mới về nha... nghe thật cảm động tình Huynh Đệ Chi Binh ; rồi họ hỏi ai về đâu thì họ chở về không lấy một xu, mỗi xe khoảng 4, 5 người cùng đường. Khi tới gần nhà tôi ở chợ Tân Định , tôi xuống xe nhìn con đường xưa mà ngậm ngùi, lúc đó khoảng 11 giờ khuya, tôi đi thật chậm  không dám về nhà ngay, kỷ niệm xưa hiện ra ngay trước mắt  . . . .  Lúc tới cửa nhà tôi mới lên tiếng ,bà ngoại và các em tôi chạy xuống ôm tôi khóc nức nở, hàng xóm nghe vậy cũng chạy qua chúc mừng tôi được thả. Đêm đó tôi không ngủ được. . . tới sáng ra trình diện ở phường, thì phường đóng cửa nghỉ Tết. Thế là tôi thoải mái ở nhà ăn tết thiệt vui, các em tôi đốt pháo mừng thật nhớ đời !!!

     Tôi cảm thấy vừa mừng vừa lo, vì vừa ra tù nhỏ thì lại sắp vào nhà tù lớn hơn, không biết ngày mai sẽ ra sao ??? Thế là tôi tìm đường vượt biên. Vì gia đình bố mẹ tôi và các em nhỏ đã qua Mỹ từ năm 1975 và đó là động lực khiến tôi vượt biên ... và chưa được một tháng tôi đã đi thoát qua Trại Tị Nạn Pulau Bidong.

  Cựu tù Nguyễn chí Long

Orange County – California 2020

 


Viện Bảo Tàng " Lê Trị"

 

‘Viện bảo tàng’ thu nhỏ của cựu sĩ quan VNCH ngay Little Saigon

Đoan Trang/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Trong một khu mobile home ngay Little Saigon có một “phòng tranh miễn phí ngoài trời” để ai cũng có thể đến thưởng ngoạn. Chủ nhân “phòng tranh” ấy là ông Lê Trị, một cựu sĩ tình báo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).

Ông Lê Trị bên giàn gấc trồng sau nhà. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Nhưng sở thích của người ở tuổi bát thập đắc hi hỉ ấy, không chỉ là nhiếp ảnh.

Chụp hình nghệ thuật cho đời thêm tươi!

Ông Lê Trị, 82 tuổi, là tác giả của hàng chục ngàn ảnh nghệ thuật, được chép vào ba USB, mà theo ông, tổng cộng chiếm 3 Terabyte, “rất nhiều!”

“Phòng tranh” của ông có khoảng gần 100 bức, do ông tuyển chọn, tự đóng khung và treo lên hai bức tường bên hông ngôi nhà mobile home thuộc thành phố Santa Ana.

Chiều chiều, cư dân trong khu mobile home đi tập thể dục, lại ghé qua ngắm “phòng tranh” của ông Trị.

Cách đây hơn chục năm, ông Trị bước vào môn nghệ thuật khá muộn màng ở tuổi “thất thập cổ lai hy.” Ông nói: “Chân yếu, động tác di chuyển chậm là trở ngại lớn đối với bản thân tôi. Tuy nhiên do sẵn có máu đam mê ảnh nghệ thuật, sau một năm học, tôi đã cố gắng ghi nhận được một số tác phẩm nghệ thuật cho đời thêm tươi vui.”

Trong khoảng chục năm, ông hăng say đi săn ảnh cùng với nhóm nhiếp ảnh gia trẻ, tới những vùng như White Mountain cao 14,000 foot, Bishop lạnh 18 độ F, Mono Lake, Body Town… sang tới Death Valley với độ nóng trên 100 độ F. Ông cũng có hai lần đặt chân tới “thiên đường sắc thu” New England, nơi giáp với New Hamsphire, Vermon, Maine, để săn ảnh mùa Thu.

Các chuyến đi của ông thường rơi vào mùa Thu, mùa đẹp nhất trong năm, quyến rũ, thanh tao, không gắt gao như mùa Hạ; không buốt giá như mùa Đông, cũng không quá rực rỡ như mùa Xuân.

Ông Trị có niềm đam mê nghệ thuật ảnh từ lúc đi học khóa tình báo Okinawa (Nhật Bản) hồi năm 1965. Sáu khi mãn khóa học, ông trở về nước, giữ chức vụ Sĩ Quan Tình Báo QLVNCH liên tục 10 năm với ngụy tích là giáo sư Toán Lý Hóa đệ nhất và đệ nhị cấp tại hai trường Đồng Tiến và Khai Trí.

Tấm hình “Kỷ Vật Trong Tù” là cây đàn violin cuối cùng ông Lê Trị làm trong nhà tù. Nay cây đàn này đã được tặng cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Nghệ nhân “bất dắc dĩ”

Cuộc đời ông, dạy học 14 năm, trong đó tính cả 10 năm “đi lính mà không mặc áo lính” (vì là tình báo), và 13 năm trong tù Cộng Sản.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ông Trị nghe “dụ” là chỉ phải đi “học tập cải tạo” 10 ngày, nên mang theo quần áo và 10,000 đồng Việt Nam, “yên tâm” để lại người vợ còn khá trẻ và sáu con dại. Ông không ngờ, cái ngày chia tay vợ con ấy, mãi đến 13 năm sau gia đình ông mới được sum họp.

“Hồi ấy, tù nhân chúng tôi chỉ được ăn mỗi bữa nửa trái bắp. Cứ ba tháng mới được ăn một bữa cơm, mà cũng chỉ là nửa chén, còn độn thêm khoai lang, khoai mì,” ông Trị kể. “Sự đói khổ đối với sĩ quan chúng tôi chẳng hề hấn gì, chúng tôi chịu đựng được, như ‘đau’ nhất là có những đứa con nít 18, 19 tuổi nói hỗn với mình, nói ‘thay mặt chính phủ’ để giáo dục mình.”

Nuốt hận, đè nén niềm đau, “máu nghệ sĩ” trong người ông Lê Trị không ngừng chảy trong suốt thời gian bị tù đày. Ông kể: “Trong tù, tôi thấy có mấy anh hay hát và cầm cây củi giả vờ làm đàn, có anh dùng thùng xăng, thùng phuy gõ làm trống. Thương quá! Bữa đó gần Tết, anh em cùng nhau hát mấy bản nhạc Xuân, nhạc lính, vui lắm! Tôi mới nghĩ, âm nhạc làm con người ta trẻ lại, nên tôi quyết định làm đàn.”


Ông Lê Trị và “phòng tranh” bên hông nhà. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vì đã biết công thức làm đàn, ông Trị đi vát nứa, cưa gỗ làm thùng đàn, dây đàn là thắng xe đạp. Không có keo dán, ông lấy da bò, da trâu nấu lên lấy nhựa dán.

Trở thành nghệ nhân “bất đắc dĩ” trong tù, hơn 13 năm, ông dành mọi thời gian nghỉ ngơi, thực hiện được gần 100 cây đàn guitar và 15 cây đàn violin.

Cây đàn violin cuối cùng ông làm năm 1984, cũng là cây đàn kỷ vật ông đem đi khi định cư ở Mỹ năm 1988 theo chương trình HO 16. Ông chụp hình cây đàn cuối cùng này và đặt tên cho tác phẩm là “Kỷ Vật Trong Tù” kèm bài thơ ông tự sáng tác: “Mười ba năm lẻ tù ‘cải tạo’/ Kỷ vật còn đây gọi nhớ đời/ Đã từng nắn nót trên cung phím/ Kết bạn cùng ta lúc đơn côi.”

Mới đây, ông Lê Trị đã trao tặng cây đàn “Kỷ Vật Trong Tù” này cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, cùng với một bộ tem thời Việt Nam Cộng Hòa.

Chơi tem cũng là thú vui của người cựu sĩ quan QLVNCH, từ khi còn rất trẻ.

Trở về bến đậu thong dong hưởng nhàn

“Sở thích của con người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau,” ông Trị tâm sự. “Hồi còn đi học tôi ham mê sưu tầm tem để tìm hiểu biến chuyển lịch sử của một quốc gia, nhất là đất nước Việt Nam ở thời đại mà tôi đang sống từ thập niên 1930. Chẳng hạn tác phẩm ‘Trúc Xinh’ mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chọn làm biểu tượng cho mình, hay tác phẩm ‘Di Cư’ bằng chiếc thuyền nan mong manh đi tìm tự do.”

Ông Lê Trị bên bộ sưu tập tem. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ông Trị đã hoàn thành bộ tem này, tính từ năm 1930 đến 1975, trong đó có nhiều con tem có ấn tín  “Ngày Phát Hành Đầu Tiên” của VNCH.

Quý nhất là những con tem có “tuổi thọ” gần 70 năm, như tem “Cựu Hoàng-Hậu Nam Phương” (Empress Nam Phương), phát hành ngày 15 Tháng Tám, 1952, in tại nhà in Hélio – Vaugirad Paris; tem Liên Hiệp Bưu Chính Quốc Tế (Coastal Scene and UPU Emblem), phát hành ngày 12 Tháng Chín, 1952; tem Hoàng Tử Bảo Long (Crown Prince Bao-Long in Annamite Costume), phát hành ngày 15 Tháng Sáu, 1954, có hai kiểu: kiểu hoàng tử mặc quốc phục Đông Cung Thái Tử, và kiểu hoàng tử mặc quân phục Đại Tá danh dự Ngự Lâm Quân đeo kiếm.

Hay tem Tổng Thống Ngô Đình Diệm phát hành đầu tiên ngày 9 Tháng Mười Một, 1958, tem Dinh Độc Lập phát hành đầu tiên ngày 7 Tháng Chín, 1959… cho đến những con tem cuối cùng của chính phủ VNCH như tem kỷ niệm ngày Nông Dân Việt Nam, phát hành ngày 26 Tháng Ba, 1975.

Khi đã “trở về bến đậu thong dong hưởng nhàn” như lời ông nói, cùng với “niềm vui còn sót lại” là đi tìm cái đẹp qua ống kính nghệ thuật nhiếp ảnh, ông còn có gần 10 năm làm thiện nguyện cho Hội Help The Poor chuyên đi giúp người nghèo khổ trên đất nước Việt Nam, cho đến năm 2006.

Mấy tháng dịch bệnh, không đi xa để chụp hình được, ông Trị ở nhà trồng cây với mục đích “khi nó ra hoa, kết trái, thì mình lại chụp hình.” Ông khoe, cây gấc ông trồng năm ngoái không ra trái nào, nhưng năm nay, đếm đã có hơn chục trái. Còn các gốc mãng cầu ghép, dàn mướp, táo, đều “hứa hẹn” sẽ tạo cảm hứng cho ông sáng tác những bức ảnh nghệ thuật.

Ông Lê Trị còn có nghề mộc. Trong hình, đài Đức Mẹ do ông tự làm đặt trước cửa nhà. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Mấy tuần nay, cứ dự xong các Thánh Lễ, vốn có nghề mộc sau khi mãn hạn tù, người cựu sĩ quan lại “kiếm việc,” đi làm hàng rào cho bà con chòm xóm. Và ai đặt làm hình Chúa kiểu 3D, ông vẫn nhận làm và “ship” đi các nơi trên toàn nước Mỹ.

“Cuộc đời thấy hãy còn bận rộn lắm nhỉ!” nhiếp ảnh gia Lê Trị nói. “Với niềm tin và phó thác, thôi thì ta cứ vô tư an nhàn, vui vẻ như ngọn sóng bạc đầu kia đêm ngày reo vui, mặc cho thế sự xoay vần:

“Bạc đầu sóng vỗ văng tung tóe/ Mặc cho thế sự vẫn reo vui,” ông Lê Trị đọc câu thơ của mình. (Đoan Trang) [qd]

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/littlesaigon-phong-su/vien-bao-tang-thu-nho-cua-cuu-si-quan-vnch-ngay-little-saigon/